Thông tin nêu bởi ông Suan Teck Kin - Giám đốc Khối nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu, tập đoàn UOB tại sự kiện ở TP HCM ngày 16/7. Theo chuyên gia, trong quý II/2024, GDP Việt Nam tăng 6,93% so với cùng kỳ. Tổng nền kinh tế cũng tăng 6,42% nửa đầu năm nay, vượt xa mức 3,84% ở cùng kỳ 2023.
Phân tích về sự tăng trưởng ở từng ngành, ông Suan Teck Kin chỉ ra sản xuất tăng năm quý liên tiếp, ở mức 10% so với cùng kỳ (quý I/2024 đạt 7,2%), đóng góp 29% thị phần. Lĩnh vực dịch vụ chiếm 45% trong mức tăng trưởng chung 6,42% nửa đầu năm.
Thương mại quốc tế hoạt động mạnh ở quý II/2024 do nhu cầu tiêu dùng lẫn sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn. Bất chấp xung đột Nga - Ukraine và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, xuất - nhập khẩu tăng lần lượt 14%, 16,6% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại cán mốc 11,3 tỷ USD (gần bằng mức 12,1 tỷ USD cả năm 2022).
Tương tự, tổng thương mại bán lẻ trong nước ghi nhận mức tăng trưởng ổn định nhờ doanh số bán lẻ và dịch vụ du lịch. Trong đó, doanh số khách sạn cùng ăn uống ở mức hai con số. 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam đón đến 8,8 triệu khách quốc tế.
"Với kết quả tích cực trên, tôi cho rằng kinh tế Việt Nam sáu tháng còn lại vẫn tươi sáng, tăng trưởng khoảng 6-6,5%", ông Suan Teck Kin dự đoán.
Bên cạnh thuận lợi, chuyên gia UOB cũng lưu ý rằng nửa cuối năm vẫn còn nhiều rủi ro liên quan xung đột toàn cầu, kinh tế vĩ mô... Các yếu tố này có thể làm gián đoạn thị trường thương mại, vận chuyển hay năng lượng, hàng hóa toàn cầu.
Một điểm tích cực trong bức tranh chung là tăng hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đạt 15,2 tỷ USD nửa năm qua, tăng 13,1% so với cùng kỳ. Dòng vốn FDI thực hiện (hoặc giải ngân) vào nước ta đạt 10,8 tỷ USD sáu tháng đầu năm, tăng hơn gấp đôi so với 4,6 tỷ USD ở quý I.
Ông Suan Teck Kin nhận định 6 tháng còn lại khá lạc quan. Dữ liệu FDI cho thấy Việt Nam có nhiều ưu thế, các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là nơi đầu tư quan trọng trong trung và dài hạn, khi toàn cầu tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Sự gia tăng cả dòng vốn FDI thực hiện lẫn đăng ký sẽ thúc đẩy loạt hoạt động trong nước ở những quý tới.
"Các yếu tố này thể hiện niềm tin, cam kết của các doanh nghiệp quốc tế với Việt Nam giữa làn sóng phi toàn cầu hóa, giảm rủi ro và chuyển dịch chuỗi cung ứng hiện nay", ông Suan phân tích.
Lạm phát là chủ đề tạo nhiều chú ý tại sự kiện. Hai năm qua, lạm phát tăng cao, hướng tới mức trần mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân đến từ đội giá chi phí thực phẩm, nhà ở, giáo dục, y tế.
Ông Suan Teck Kin cho rằng để giải quyết bài toán lạm phát, Chính phủ cần tăng chi tiêu, từ đó tăng nguồn cung các mảng trên thời gian dài (như nâng cao năng suất nông nghiệp). Trong ngắn hạn, có thể mở rộng nhập khẩu thực phẩm từ đa quốc gia.
Về lãi suất, trong bối cảnh tiền đồng suy yếu, USD và tỷ lệ lạm phát trong nước tăng cao có thể khiến Ngân hàng Nhà nước thận trọng trong mọi thay đổi về chính sách, lãi suất.
"Đà tăng trưởng có thể kém hiệu quả hơn trong nửa cuối 2024, chúng tôi tin Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại: 4,5%", ông phân tích.
Theo ông, sau mức GDP tăng trưởng yếu và thương mại quốc tế sụt giảm đáng kể hồi 2023, doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng ngần ngại vay vốn để đầu tư hoặc chi tiêu do triển vọng không chắc chắn.
Niềm tin có thể trở lại khi dữ liệu nửa đầu năm nay được cải thiện và kỳ vọng tăng ở các quý tiếp theo. Các khoản vay sẽ tăng lên, tùy thuộc hoạt động kinh doanh mạnh mẽ thế nào.
Tiền đồng biến động 5% so với USD trong 6 tháng qua. Thực trạng này nằm trong xu thế chung của châu Á. Cụ thể, Yen (Nhật) mất giá 14%, Won (Hàn) giảm 7%. Tiền Thái, Indonesia, Đài Loan, Philippine cũng giảm 6% so với USD. Ngân hàng trung ương các nước trên dùng loạt biện pháp can thiệp thị trường để ổn định vĩ mô, hạn chế dòng vốn ngoại ra đi và nội tệ mất giá.
UOB dự đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất USD hai lần, mỗi lần 0,25% vào tháng 9 và 12 tới. Điều này diễn ra sẽ là cơ sở thuận lợi để các nền kinh tế có thể cân nhắc cắt giảm hoặc không tăng lãi suất, từ đó áp lực tỷ giá lên tiền mới nổi cũng giảm bớt. Tuy nhiên ông Suan Teck Kin lưu ý khả năng lãi suất USD vẫn ở mức cao trong thời gian dài.
Ông Suan Teck Kin cũng dự đoán tiền đồng sẽ phục hồi. Cụ thể, một USD sẽ đổi 25.200 đồng trong quý III, 25.000 ở quý IV, 24.800 trong ở quý I năm sau và 24.600 vào quý II/2025.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần chú trọng rủi ro tỷ giá, gián đoạn chuỗi cung ứng. Ông Suan Teck Kin gợi ý: "Các đơn vị chuyên xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đầu tư quốc tế nên lập chính sách phòng ngừa, xem đó là một phần của chiến lược quản lý rủi ro, bảo vệ vị thế tài chính".
Ngoài ra, cần duy trì sự cân bằng, lập kế hoạch quản lý dòng tiền - ngoại hối lẫn nội tệ (tiền đồng) khi được yêu cầu thanh toán. Nắm giữ quá nhiều ngoại tệ có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ hoặc thu lợi nhuận. Cần có nội tệ để trả cho nhà cung cấp địa phương, tiền lương, phí thuê nhà, thuế.
Trước nỗi lo gián đoạn chuỗi cung ứng hay vướng mắc khâu vận chuyển, ông Suan Tec Kin nêu chiến lược cho doanh nghiệp là mở rộng, đa dạng hóa thị trường và nguồn cung. "Đơn cử, bán sản phẩm cho thị trường lân cận sẽ mở ra những cơ hội mới, giảm rủi ro lô hàng bị trì hoãn do khoảng cách xa", ông nói thêm.
Vạn Phát