Tại lễ trao giải thưởng "Thực hiện nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs)", Unilever Việt Nam được xướng tên, trở thành đơn vị chiến thắng ở hạng mục "Bình đẳng giới tại thị trường". Chương trình do Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam (VWEC), Phòng Thương mại và Công thương Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) thực hiện.
Đại diện Unilever Việt Nam cho biết, hãng không ngừng nỗ lực thực hiện các chính sách, hoạt động nhằm trao quyền cho phụ nữ, loại bỏ định kiến bất lợi với sự tiến bộ và tự tin của nữ giới.
Điển hình trong số đó là chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế", phối hợp cùng nhãn hàng Sunlight, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai từ năm 2020. Chương trình hướng đến hỗ trợ một triệu phụ nữ làm kinh tế đến năm 2025, thông qua hoạt động truyền cảm hứng khởi nghiệp kinh doanh, đào tạo và trang bị kỹ năng, kiến thức khởi nghiệp, hỗ trợ vốn, tư vấn và đồng hành trong quá trình khởi nghiệp.
Đại diện Unilever Việt Nam cho biết, từ năm 2020, công ty đã cùng nhãn hàng Sunlight ra sáng kiến, phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam triển khai chương trình "Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế". Chương trình nhằm hỗ trợ phụ nữ nông thôn, bán thành thị, khu vực khó khăn theo đuổi mơ ước kinh doanh, khởi nghiệp, tự lập về kinh tế, chủ động trong cuộc sống. Theo Unilever, trong năm 2020-2021 chương trình đã truyền cảm hứng tự tin kinh doanh, đem đến các lớp đào tạo trang bị kiến thức kỹ năng khởi nghiệp cho gần 2.000 phụ nữ tại 10 tỉnh thành trên cả nước, với 5 mô hình kinh doanh tại gia phổ biến.
Doanh nghiệp còn phối hợp với Google triển khai chương trình đào tạo trực tuyến với hơn 30.000 người tham gia học, hỗ trợ vay vốn cho hơn 300 dự án khởi nghiệp. Đại diện Unilever chia sẻ, từ quý IV/2021 đến năm 2022, công ty dự kiến mở rộng dự án này đến thêm 12 tỉnh thành.
Bên cạnh đó, Unilever còn đồng hành giúp nữ giới vượt qua thách thức và chuẩn mực giới tính, theo đuổi giấc mơ sự nghiệp, phá bỏ định kiến về ngoại hình, xây dựng sự tự tin và hạnh phúc. Theo đó, hai nhãn hàng Sunsilk và Dove của Unilever đã thực hiện nhiều chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, truyền cảm hứng đến nữ giới.
Cụ thể, nhãn hàng Sunsilk triển khai chiến dịch "Bung mình tỏa sáng - Bung ước mơ riêng", mang đến cảm hứng cho bạn gái trẻ trăn trở về sự nghiệp, giúp họ tự tin, quyết tâm theo đuổi công việc mơ ước mà không bị giới hạn bởi định kiến bất bình đẳng giới. Chiến dịch tiếp cận 11 triệu bạn gái tại Việt Nam, thông qua chuỗi hoạt động truyền thông và câu chuyện truyền cảm hứng. Đại diện doanh nghiệp cho hay, chiến dịch sẽ là hoạt động trọng tâm của Sunsilk trong những năm tới.
Trong khi đó, với chiến dịch "Mái tóc của tôi, lựa chọn của tôi", nhãn hàng Dove đã đồng hành cùng nữ giới nói lên câu chuyện, trải nghiệm bản thân khi thể hiện bản sắc cá nhân. Từ đó truyền cảm hứng cho phụ nữ, giúp họ cảm thấy tích cực, tự tin, xóa bỏ ám ảnh ngoại hình bởi những đánh giá, định kiến về giới của xã hội. Chiến dịch đã tiếp cận 11,4 triệu phụ nữ tại Việt Nam.
Cam kết và kế hoạch hành động đến năm 2025
Đại diện Unilever Việt Nam cho hay, mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới thông qua trao quyền cho phụ nữ luôn là trọng tâm của kế hoạch phát triển bền vững tại công ty. Trong đó, chiến lược La bàn Unilever được doanh nghiệp thực hiện trong giai đoạn mới.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Unilever Việt Nam cho biết: "Chúng tôi tham vọng sẽ trao quyền, trao cơ hội bình đẳng để phát triển đến một triệu phụ nữ Việt Nam trong vòng 5 năm tới, với 3 trụ cột chính: Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp, loại bỏ định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ".
Để thực hiện 3 trụ cột này, Unilever Việt Nam đã triển khai kế hoạch hành động cụ thể. Thứ nhất, để hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Unilever cho biết sẽ tổ chức các buổi hội thảo, chia sẻ, chương trình đào tạo trực tiếp tại hơn 20 tỉnh thành về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp kinh doanh quy mô gia đình. Mục tiêu nhằm truyền cảm hứng cho phụ nữ ở vùng nông thôn, hướng đến tư duy làm chủ kinh tế.
Unilever còn cung cấp khóa đào tạo trực tuyến trên nền tảng của Google để mở rộng cho phụ nữ trên toàn quốc. Công ty còn giúp phụ nữ tiếp cận nguồn vốn từ quỹ tài chính vi mô để xây dựng doanh nghiệp riêng và cải thiện thu nhập.
Tiếp đó, Unilever cho biết sẽ hỗ trợ nâng cao vị thế của phụ nữ tại nơi làm việc và phát triển sự nghiệp. Các hoạt động được triển khai gồm chia sẻ câu chuyện tiêu biểu trong thực hiện Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEP), xây dựng môi trường làm việc hòa nhập và bình đẳng giới; hỗ trợ nâng cao năng lực của đối tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thực hiện bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ.
Cuối cùng, doanh nghiệp hướng đến loại bỏ định kiến bất lợi làm cản trở sự tiến bộ của phụ nữ. Theo đó, Unilever tập trung vào ba hành động chính, gồm nâng cao lòng tự tôn cho bạn gái trẻ, qua chiến dịch ủng hộ vẻ đẹp tích cực, khai phóng tiềm năng và khuyến khích bạn gái theo đuổi ước mơ. Doanh nghiệp cho biết sẽ tổ chức khóa đào tạo tại các trường trung học, xây dựng khái niệm mới về vẻ đẹp tích cực thông qua câu lạc bộ, buổi chia sẻ và đào tạo tại trường học.
Hà Thanh (Ảnh: Unilever)