Nhiều người cho rằng sự xuất hiện của hai người lùn này tuy là phương tiện thể hiện ý đồ của đạo diễn, nhưng dùng họ để gây cười vẫn không phù hợp, có phần chế nhạo những người bị khiếm khuyết về hình thể.
Theo tôi quan điểm như vậy về người lùn nói riêng và người khuyết tật nói chung là có phần cũ kỹ. Với cách nhìn nhận đó, chúng ta đã nghiễm nhiên mặc định họ khác biệt với người bình thường. Tại sao những nghệ sĩ như Xuân Bắc, Tự Long… có thể dùng mọi chiêu trò, kể cả hình thể của mình, để mang lại tiếng cười cho khán giả, còn những người lùn lại không thể là nghệ sĩ tham dự chương trình? Ở khía cạnh nào đó, đấy cũng chính là sự kỳ thị.
Để xóa bỏ mặc cảm cho những người khuyết tật trước hết phải đối xử với họ như người bình thường. Khi tôi mới sang Australia, tôi thấy làm lạ với việc những người khuyết tật cũng thường xuyên phải xếp hàng như người bình thường. Tôi từng đề nghị nhường chỗ cho một người khuyết tật vận động lúc đang xếp hàng mua đồ ăn, nhưng anh này từ chối. Sau này tôi mới biết đấy là cách người Australia giúp cho những người khuyết tật cảm thấy họ cũng giống như những người bình thường. Thay vì nhìn người khuyết tật bằng con mắt thương hại, yếu thế, và tạo cho họ những đặc ân mang tính ưu tiên, người Australia lại dành cho họ những điều kiện thuận lợi nhất để có thể tự sinh hoạt, phát triển như mọi người khác.
Ví dụ như đường sá, các tòa nhà… đều được quy hoạch, thiết kế rất hợp lý để người gặp khuyết tật vận động vẫn có thể tự dùng xe lăn di chuyển, mà không gặp bất kỳ sự bất tiện hay cần đến sự trợ giúp nào. Ngay cả lớp học đầu tiên của tôi ở Australia cũng có hai bạn là người khuyết tật tham gia như những học viên bình thường khác. Trong đó một bạn người Indonesia bị khiếm thị thì được trang bị phần mềm đặc biệt để đọc màn hình, hỗ trợ tiếp thu bài giảng.
Năm 2013, khi Nick Vujicic sang Việt Nam diễn thuyết và giao lưu, số đông mới giật mình rằng chúng ta cũng không thiếu những tấm gương người khuyết tật vươn lên đáng ngưỡng mộ không thua gì Nick như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng… Nhưng vấn đề tại sao không ai có thể đạt đến tầm vóc như Nick?
Câu trả lời có thể là họ không được tạo những điều kiện đặc biệt, có cả một bộ máy đồ sộ hỗ trợ như Nick. Những người đứng sau Nick thậm chí kỳ công đến mức xây dựng cả một bộ phim ngắn mang tên “Gánh xiếc bươm bướm” để anh này đóng một vai nguyên mẫu như mình ngoài đời (một chàng trai không tay không chân). Trong cả phim gần như chỉ có một cảnh duy nhất mà Nick Vujicic phải đóng là khi lao mình xuống nước. Về cơ bản, bộ phim “Gánh xiếc bươm bướm” tạo cho người ta cảm giác, nó được xây dựng gần như chỉ với mục đích duy nhất là để cho Nick Vujicic có đất diễn, để tôn vinh người đàn ông này.
Đó là những thứ mà người khuyết tật Việt Nam chưa có được. Vì vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách ứng xử với người khuyết tật. Thay vì luôn gán cho họ cái vỏ bọc yếu đuối, đáng thương, hãy hỗ trợ, tạo cơ hội để người khuyết tật có thể phát triển hết tiềm năng của mình trong bất kỳ lĩnh vực nào. Đấy thực sự mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề.
Phan Tất Đức