Người gửi: Huỳnh Tấn Trung,
Gửi tới: Ban Xã hội
Tiêu đề: giao thông đô thị
Khi đọc bài báo "Người dân thiếu ý thức chấp hành luật giao thông" tôi cảm thấy đây là một vấn đề hết sức bức xúc của người dân đang cư ngụ trong các đô thị “làng” của chúng ta. Với sự chuyển mình kỳ diệu, vươn tới một sự phát triển, đất nước ta đang đứng trước một vận hội chưa từng có trong lịch sử dân tộc, thế nhưng ở đâu đó trong bản thân từng con người, từng gia đình, từng cộng đồng trong các đô thị Việt Nam vẫn mang những thói quen, tập quán suy nghĩ, óc tư duy vốn đã trở nên lạc hậu của người nông dân làng quê những thế kỷ trước.
Dẫu rằng văn hoá “làng” là một truyền thống có từ nghìn đời của dân tộc, nó chứa đựng những nét văn hoá độc đáo, tinh hoa người Việt nhưng bản thân nó cũng còn mang nặng nhiều tư tưởng lạc hậu, chậm chạp, sự trì trệ của xã hội. Nếu cái ý thức đó không được lồng vào trong chương trình giáo dục ngay từ các bậc học phổ thông, đại học, thậm chí cả các cơ quan nhà nước, tổ chức đoàn thể, thì vấn đề ứng xử văn hoá công cộng của người dân sẽ đến lúc báo động. Một trong những biểu hiện của sự kém văn hoá (văn hoá công cộng) của một số người có thể tạm gọi là “nông dân đô thị” đó là ý thức chấp hành luật lệ giao thông.
Tôi là một sinh viên có may mắn là được học tập ở một thành phố nhỏ được coi là nông thôn ở nước Nga, nhưng điều đầu tiên mà tôi cảm nhận được ngay tư những ngày đầu mới đặt chân đến là ý thức chấp hành luật lệ giao thông của họ thật đáng kính nể, mặc dù nước Nga đang ở trong giai đoạn khó khăn về kinh tế, nhưng ý thức văn hoá công cộng của họ luôn được coi là một nét đẹp văn hoá. Tôi thật ngạc nhiên khi chứng kiến cả một lúc 5, 6 chiếc xe hơi dừng lại cho một người qua đường trên phần đường dành cho người đi bộ băng qua, ngược lại với sự lộn xộn về giao thông ở bất cứ một đô thị nào ở Việt Nam, hình ảnh quen thuộc dễ nhận ra đó là sự giành đường lẫn nhau của các đối tượng tham gia giao thông, mà không tuân thủ theo luật giao thông, bất chấp sự nguy hiểm, cản trở giao thông, là những hành động của những người “nông dân đô thị “ khi tham giao giao thông mà họ không biết đó là biểu hiện của sự kém văn hoá.
Việt Nam đang trên đường phát triển, đô thị Việt Nam ngày một đẹp hơn, to hơn nhưng ý thức văn hoá công cộng của những người dân sinh sống cư ngụ trong đó cũng cần phải đẹp hơn, xứng danh hơn với nơi mình đang ở và thời đại mình đang sống.