Khi trẻ được 2-3 tuổi, ba mẹ bắt đầu bối rối, đau đầu khi con liên tục hỏi những câu bắt đầu bằng 2 tiếng “Vì sao”. Một số câu hỏi mà trẻ hay đặt ra với cha mẹ như:
- "Ba ơi, vì sao bầu trời màu xanh?".
- "Vì sao con gà có 2 chân mà con chó lại có 4 chân?".
- "Vì sao con tên là Quân?".
- "Mẹ ơi, vì sao trong hình cưới của ba mẹ lại không có con?".
- "Vì sao ở trên trời lại có nước rơi xuống?".
- "Vì sao tóc ông nội màu trắng?".
Không khó để ba mẹ nhận thấy trẻ tỏ ra rất thích thú với mọi thứ xung quanh mà chúng đang được nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận được. Lúc này dường như có một thế giới rộng lớn hơn đang mở ra trước mắt trẻ.
Điều đó thúc đẩy trí tò mò, nhu cầu khám phá thế giới xung quanh, những mối quan hệ mới giữa các sự vật, hiện tượng trong thế giới quan mà trước đó bé chưa biết. Và một trong những cách đặc biệt để trẻ tìm hiểu thế giới xung quanh mình chính là đặt câu hỏi. Đây cũng là đặc điểm phát triển tư duy quan trọng của trẻ ở giai đoạn này.
Tuy nhiên, có những nguyên nhân khác đằng sau câu hỏi “Vì sao” của trẻ mà phụ huynh chưa biết. Đôi khi, trẻ hỏi đi hỏi lại một vấn đề chỉ vì để được nghe cha mẹ trả lời nhiều lần và ghi nhớ lại thông tin. Cũng có khi trẻ hỏi “Vì sao” không phải để tìm câu trả lời nên dù ba mẹ cố gắng rất nhiều cũng không thể làm con thỏa mãn, bởi lúc ấy trẻ hỏi chỉ để gây sự chú ý của người lớn, để được nói chuyện với ba mẹ và được quan tâm.
Do đó, bằng tình yêu thương của mình, ba mẹ cần giải mã ý nghĩa đằng sau các câu hỏi “Vì sao” của trẻ để có sự đáp ứng phù hợp. Hãy nhớ rằng trẻ càng hỏi nhiều chứng tỏ trẻ càng có cơ hội phát triển trí tuệ và kỹ năng tìm kiếm thông tin, điều này rất có lợi cho việc học sau này. Khi đã hiểu được vấn đề này, ba mẹ cần lưu ý:
1. Dù trong hoàn cảnh nào, đừng bao giờ dập tắt các câu hỏi “vì sao” của con bằng câu trả lời “Vì nó là vậy chứ sao” và với thái độ khó chịu như “Mẹ đang mệt, con đừng hỏi nữa”.
2. Trả lời một cách khoa học, logic về sự việc bằng ngôn ngữ dễ hiểu và ngắn gọn nhất có thể.
3. Cho con cơ hội tự suy nghĩ trước khi trả lời.
4. Không cười nhạo các câu trả lời ngô nghê của con, ngược lại, bạn cần tỏ ra hào hứng, ngạc nhiên như “Ồ, là như vậy đó hả”, “Hay quá ha”…
5. Khi ba mẹ thật sự không biết câu trả lời, hãy thừa nhận là mình không biết và cùng con tìm câu trả lời. “Mẹ cũng không biết vì cổ của hươu cao cổ dài nữa, hay là cuối tuần này mẹ con mình đi thảo cầm viên tìm hiểu xem sao nhé”.
6. Khi bị dồn vào thế bí, thay vì cáu gắt, ba mẹ hãy hỏi lại con “Theo con thì vì sao”, trẻ sẽ tiếp tục suy nghĩ trong thời gian ba mẹ tìm câu trả lời phù hợp.
Việc kích thích trẻ hỏi là cách tuyệt vời nhất để nuôi dưỡng tính ham học hỏi của con. Mặt khác, chính sự quan tâm và đồng hành cùng con khám phá thế giới xung quanh sẽ là món quà vô giá để nuôi dưỡng lòng tự tôn của con, giúp bé cảm nhận được mình đang sống trong tình yêu thương sâu sắc của ba mẹ.
Thạc sĩ Lê Ngọc Bảo Trâm
Tổng đài 1900 6233, Viện Tâm lý và Giáo dục Pháp luật