Hồi tháng 7, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói về nỗi buồn khi nhiều lần phát hiện sách mình ký tặng lưu lạc ở quầy sách cũ. Ông bày tỏ quan điểm: "Tôi sẽ xé trang có lời đề tặng nếu như không thể mang được cuốn sách theo".
Sự việc làm nổ ra tranh luận về văn hóa ký tặng sách, cách đối xử với sách tặng của người viết lẫn người đọc. Nhiều người đồng tình nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, thuật lại những tình huống oái oăm. Nhà văn Tạ Duy Anh từng chứng kiến một người bạn từ Mỹ về, in một tập truyện ngắn và muốn đến hội thảo ông tham gia để tranh thủ tặng sách. Cô háo hức khoe tặng được hơn trăm cuốn nhưng nửa năm sau ỉu xìu vì chẳng có ai hồi âm. Ông còn tận mắt chứng kiến nhiều người nhận sách của tác giả này nhưng chẳng thèm cầm về. Nhà văn Vũ Xuân Tửu cho biết một lần đi dự Hội nghị viết văn trẻ, thấy sách tặng được giấu dưới chăn, đệm. Ông lặng lẽ thu dọn vì sợ nhân viên khách sạn chê cười.
Tuy nhiên, nhiều nhà văn cho rằng không nên buồn bởi có hàng nghìn lý do để một cuốn sách lưu lạc, trong đó nhiều trường hợp bất khả kháng. Nhà thơ Hồng Thanh Quang không nghĩ đây là một câu chuyện "bi kịch" mà coi đó là cơ hội để tác giả tự hiểu thêm về tác phẩm của chính mình.
Nhà thơ Phong Việt nói khi thấy một số cuốn sách mình từng ký tặng ở hàng sách cũ, anh thậm chí còn vui mừng, như gặp lại cố nhân. Phong Việt cũng ít lưu trữ sách mua lẫn sách được tặng, thường gửi cho các đợt quyên góp hoặc tặng cho người khác. Theo anh, cuốn sách sẽ có thêm vòng đời, tăng giá trị. "Ở góc độ người được tặng, tôi nghĩ hãy dành chút thời gian cho cuốn sách đó, hay thì đọc tiếp, còn dở thì bỏ ngang, đó là việc bình thường. Với người tặng, hãy để người được tặng quyết định đời sống của cuốn sách, chỉ đơn giản vậy thôi", Phong Việt nói thêm.
Nhiều cây bút cho rằng việc xé trang đề từ nếu không thể giữ lại là chuyện không cần thiết, bởi một nhà văn chuyên nghiệp nên bình tĩnh đón nhận việc này, thậm chí mừng khi sách có cơ hội đến với người thực sự cần. Nhà thơ Hồng Thanh Quang lý giải thêm: "Cuốn sách có chữ ký của tác giả có thể sẽ rất hữu ích cho những người sưu tầm. Tôi nghĩ nhà văn không nhất thiết phải che giấu cả sự hững hờ của thiên hạ đối với các tác phẩm của mình. Ở đời, có yêu thì có ghét, có dửng dưng... Bình thường thôi mà".
Nhà thơ Lê Minh Quốc nói bạn văn tặng sách cho nhau là điều đáng quý và cần trân trọng. "Lâu nay, mình đã nhận sách của bạn, nay mình có sách mới, tặng lại thay lời cảm ơn. Nhận sách của bạn, tôi đọc, nghiền ngẫm rồi tự nhủ: 'Bạn viết được thế này, mình thì sao?'. Vô hình trung, tặng sách cũng là cách 'tiếp lửa' cho nhau. Ý nghĩa đáng yêu của tặng sách nằm ở chỗ đó", nhà thơ cho biết.
Lê Minh Quốc cho rằng rất khó tìm ra khuôn mẫu ứng xử với sách được ký tặng, bởi nó tùy thuộc tâm tính mỗi nhà văn, mối quan hệ giữa người cho và người nhận. Ông chỉ tặng sách cho những ai thật sự cần. Những cuốn sách được tặng, nếu không thích, ông sẽ đưa lại cho những ai quan tâm vấn đề đó.
Nhật Thu