Trẻ em có thể làm tốt một vài công việc và thất bại khi thực hiện số khác. Trong hầu hết tình huống khó khăn, các em thường nói: "Con không làm được", "Cái này khó quá" hay "Con không biết làm".
Nếu phụ huynh làm thay, trẻ sẽ sinh ra tính ỷ lại, thụ động, lười suy nghĩ. Nhưng nếu không giúp đỡ, các em có thể bỏ dở công việc đang làm. Dưới đây là sáu ý tưởng giúp phụ huynh đối phó với vướng mắc của trẻ.
1. Phân tích tình huống
Thay vì vội làm việc giúp con, bạn nên dẫn dắt các bé vào quá trình giải quyết vấn đề. Bạn có thể phân tích tình huống đang diễn ra, để con tư duy câu trả lời. Chẳng hạn nói: "Mẹ thấy con đang gặp khó khi xếp các hình khối với nhau. Con thử nghĩ xem mẹ con mình có cách nào để gắn các hình khối này lại không?".
2. Giúp đỡ
Sau khi bố mẹ đặt câu hỏi, các bé sẽ lấy lại bình tĩnh để suy nghĩ hướng giải quyết. Nếu bé có thể tìm ra, bạn hãy để con tiếp tục làm. Nếu bé vẫn gặp vướng mắc, hãy đưa ra một số gợi ý và đề nghị giúp đỡ. Tùy thuộc vào độ khó của nhiệm vụ và sự khó chịu của con, đề nghị giúp đỡ có thể cụ thể hoặc để mở.
Ví dụ, con không thể mặc váy cho búp bê đồ chơi, bạn có thể đề nghị giúp đỡ cụ thể: "Con có muốn mẹ giữ búp bê rồi con mặc váy cho bạn không?" hoặc hỏi mở: "Chà, mẹ thấy con đang loay hoay mặc váy cho bạn búp bê. Con có muốn mẹ giúp gì không? Mẹ có thể làm gì cho con?".
3. Nghỉ ngơi
Nếu con bạn đã theo đuổi nhiệm vụ khó khăn trong thời gian dài, hãy cho bé nghỉ ngơi hoặc chuyển hướng chú ý sang một công việc nhẹ nhàng, thoải mái hơn. Quãng thời gian nghỉ này giúp bé thư giãn đầu óc, sắp xếp lại suy nghĩ trong đầu và đánh giá nhiệm vụ khách quan hơn. Sau khi đã hồi phục thể lực và tinh thần, các em có thể làm việc hiệu quả hơn.
Nếu muốn di chuyển sự chú ý của con sang công việc khác, bạn hãy đề nghị: "Con có thể thay mẹ đưa chú chó nhà mình đi dạo không? Con có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình sau".
4. Khích lệ tinh thần và sự nỗ lực
Câu nói "Con không làm được" có thể mang theo những suy nghĩ tiêu cực, hạ thấp bản thân. Khi nói, trẻ có thể đã cho rằng mình thất bại, kém cỏi. Thay vì phớt lờ chúng hoặc nói qua loa rằng "Không sao đâu", "Mọi chuyện sẽ ổn thôi", phụ huynh nên trấn an tinh thần để con lấy lại niềm tin.
Ví dụ, khi con không thể đánh bóng chày, bạn hãy nói: "Có thể con đang thấy nản lòng, nhưng mẹ biết con có thể chơi. Con chỉ cần luyện tập thêm. Con có muốn mẹ vào sân tập cùng con không?".
Ngoài ra, nhấn mạnh sự nỗ lực của trẻ trong quá trình làm nhiệm vụ cũng sẽ giúp các bé lấy lại động lực và trân trọng sự cố gắng của bản thân. Khen ngợi sự nỗ lực còn có thể dạy trẻ về tầm quan trọng của đức tính chăm chỉ. Trường hợp chơi bóng chày, bạn có thể nói: "Mẹ thấy con đã luyện tập chăm chỉ. Mẹ tin rằng nếu con tiếp tục chăm chỉ như vậy, con sẽ thu về thành quả xứng đáng".
5. Cân nhắc mức độ của nhiệm vụ
Bạn có đang yêu cầu con làm việc quá sức hoặc giao những công việc vượt quá trình độ? Hoặc có phải bạn đã giao việc khi bé đói, mệt, không ở trong trạng thái tốt nhất? Trước khi đánh giá khả năng của con, cha mẹ nên cân nhắc lại mức độ khó dễ của nhiệm vụ mà trẻ phải thực hiện. Nếu là nhiệm vụ mà bạn giao, hãy giảm bớt số lượng hoặc độ khó. Nếu là nhiệm vụ của giáo viên, mọi người xung quanh, bạn có thể thảo luận với họ để đưa ra công việc phù hợp hơn.
6. Kết nối với trẻ
Trong những khoảnh khắc con gặp khó khăn, phụ huynh nên sẻ chia, thể hiện sự quan tâm, đồng hành. Nhờ đó, trẻ có thể cảm thấy tự tin vì biết người thân luôn ở bên cạnh. Hãy nói "Bố/ mẹ biết điều này thật khó với con", thể hiện bạn không né tránh câu chuyện và khiến trẻ mở lòng chia sẻ vấn đề của mình. Hãy để con làm chủ việc đối thoại, dẫn dắt bạn đi theo hướng nhìn của con dù bạn đã nắm rõ vấn đề. Từ đó, bạn có thể nhận ra lập trường và quan điểm của con.
Một cách kết nối khác là kể chuyện bạn, người thân hoặc bạn bè của gia đình từng rơi vào tình huống khó khăn tương tự. Câu chuyện sẽ giúp trẻ nhận ra mỗi người đều có khó khăn riêng và mọi tình huống đều có hướng giải quyết.
Tú Anh (Theo Understood, Parenting)