Em phải làm gì để bảo vệ bản thân?
Luật sư tư vấn
Hành vi sử dụng clip, hình ảnh nhạy cảm để đe dọa, khống chế bị hại nhằm níu kéo tình cảm là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác.
Tùy theo mức độ, hậu quả của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, phải chịu trách nhiệm dân sự hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Về xử phạt hành chính: Theo điểm g khoản 3 điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống xúc phạm uy tín, danh dự nhân phẩm của người khác thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20.000.000 đồng.
Theo khoản 3 điều 32 và điều 34 Bộ luật Dân sự 2015, người sử dụng hình ảnh xâm phạm đến danh dự, uy tín nhân phẩm của người khác phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh và bồi thường thiệt hại, xin lỗi, cải chính công khai.
Về xử lý hình sự: Người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 155 Bộ luật Hình sự về tội Làm nhục người khác. Theo đó, người phạm tội có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 3 tháng đến 5 năm.
Do đó, để ngăn chặn kịp thời hành vi của người yêu cũ và bảo vệ chính mình, bạn cần làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an cấp huyện có thẩm quyền (kèm theo các chứng cứ chứng minh hành vi đe dọa, tống tiền của người bạn trai cũ như tin nhắn, đoạn băng ghi âm...) để cơ quan này tiến hành điều tra, xử lý.
Trong trường hợp lo ngại việc bị công khai có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư của bạn thân, bạn có thể làm đơn đề nghị cơ quan công an hạn chế việc cung cấp thông tin của vụ việc ra công chúng.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty luật Bảo Ngọc, Hà Nội