Thượng nghị sĩ Dân chủ Obama (trái) và Thượng nghị sĩ Cộng hòa McCain. Ảnh: AP. |
Cuộc tranh luận cuối cùng này diễn ra tại Đại học Hofstra, New York, vào tối 15/10 (sáng nay giờ Hà Nội) và nhà báo kỳ cựu của kênh CBS Bob Schieffer làm trung gian.
McCain khẳng định gói trợ cấp kinh tế của ông là tốt nhất, vì nó quan tâm hàng đầu tới những người bị ảnh hưởng trong cơn bão tài chính. Obama thì tuyên bố kế hoạch kinh tế của ông giúp tạo thêm công ăn việc làm, và trợ giúp về lâu dài.
Obama cũng khẳng định gói cứu trợ 700 tỷ USD sẽ có hiệu quả nếu được chi dùng thích hợp. Ứng viên Dân chủ còn bác cáo buộc của phe Cộng hòa rằng ông muốn tăng thuế đối với người giàu, và khẳng định "không ai thích thuế", nhưng đấy là khoản đầu tư cần thiết cho kinh tế.
Trong khi đó, McCain phản bác việc phe Obama luôn gắn liền ông với chính sách của đương kim Tổng thống George Bush. "Thượng nghị sĩ Obama, tôi không phải Tổng thống Bush. Nếu muốn chạy đua với Tổng thống Bush, ông nên ra mặt từ 4 năm trước", McCain nói.
McCain nói ông có thể giúp cân bằng được ngân sách liên bang bằng cách cắt giảm các khoản chi dùng không cần thiết và yêu cầu cử tri so sánh thành tích làm việc trong thượng viện của hai ứng viên.
Trong cuộc tranh luận dài 90 phút, hai ứng viên ra đòn công kích đối thủ. McCain tố cáo Obama nói dối và có quan hệ với một tên "khủng bố". Ứng viên Cộng hòa muốn nhắc tới mối liên hệ giữa thượng nghị sĩ da màu và Bill Ayers - từng là thành viên của tổ chức chống chính phủ Weather Underground hồi thập niên 60 và 70. Đáp lại, Obama chỉ rõ ông chỉ là một đứa trẻ vào thời điểm Ayers có những hành vi cực đoan.
McCain cũng cáo buộc Obama chi quá nhiều tiền cho các quảng cáo bêu xấu đối phương. Thượng nghị sĩ Illinois liền phản pháo rằng 100% các quảng cáo của McCain là tiêu cực. Theo một thăm dò của đại học Wisconsin, McCain đang tung ra một số video bêu xấu Obama, song ông từng có những quảng cáo tích cực trong thời gian vận động tranh cử.
Hai ứng viên đối mặt nhau trong cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters. |
Trong thời điểm chỉ còn ba tuần nữa là tới bầu cử, McCain khát khao chiến thắng trong cuộc tranh luận này để thay đổi tình thế. Cuộc thăm dò của New York Times và CBS News cho thấy Obama đang dẫn trước với 14 điểm cách biệt, khoảng cách lớn nhất kể từ các cuộc vận động tranh cử. Phần lớn các cử tri này cho biết thái độ của họ đối với ứng viên Cộng hòa ngày càng xấu đi khi ông tiến hành chiến dịch bêu xấu Obama. Hầu hết những lời công kích này nhằm vào mối liên hệ của Obama và Bill Ayers, thành viên cũ của nhóm Weather Underground, phản đối chính phủ Mỹ hồi thập niên 60.
Trước đó, cả hai vốn đã chỉ trích đề xuất kinh tế của đối phương. McCain công kích kế hoạch của Obama là "gần như cũ" về thuế và chi tiêu đồng thời cảnh báo tăng thuế trong thời điểm suy thoái là nguy hiểm. Obama gắn McCain với "những chính sách kinh tế thất bại của Bush", cho rằng đưa một người Dân chủ lên nắm quyền là cách duy nhất giải cứu đất nước.
Trong khi đó, Ủy ban Quốc gia Cộng hòa cho biết họ sẽ ngừng chiến dịch quảng cáo ở bang Maine và Wisconsin, hai bang hy vọng sẽ nghiêng về phía McCain. Cuộc thăm dò gần nhất cho thấy Obama nhận được hơn 50% ủng hộ tại hai bang này.
Cuộc tranh luận trực tiếp diễn ra trong thời điểm dân chúng Mỹ lo lắng về hướng đi của đất nước. Hơn 85% cử tri cho rằng quốc gia của họ đang đi sai đường và 80% không tin tưởng rằng chính phủ đang làm đúng.
Nền kinh tế lúc này được coi là vấn đề quan tâm hàng đầu của các cử tri. Trong thời điểm tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ George Bush xuống thấp kỷ lục, McCain đang phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn nhằm chứng tỏ chính sách của ông khác hẳn với Bush.
Trong khi đó, thách thức về kinh tế đối với tổng thống tiếp theo của Mỹ càng lớn sau khi có thông tin rằng thâm hụt ngân sách của chính phủ Mỹ lên mức cao nhất là 455 tỷ USD trong năm tài khóa kết thúc vào ngày 1/10. Thời điểm này còn trước cả khi gói giải cứu 700 tỷ USD được thông qua.
Hải Ninh (theo BBC)