Cựu tổng công tố Yoon Seok-youl, ứng viên tổng thống đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) Hàn Quốc, gây tranh cãi khi viết từ "vương" bằng chữ Hán lên lòng bàn tay trong lúc tranh luận với các ứng viên đối thủ cùng đảng trên truyền hình cuối tuần qua. Cách làm này được thực hiện theo lời khuyên của một số thầy cúng và người lớn tuổi ở Hàn Quốc, thường dành cho học sinh thi tuyển hoặc những người đi phỏng vấn xin việc nhằm cổ vũ tinh thần và mang lại may mắn.
Đảng Dân chủ (DPK) cầm quyền của Tổng thống Moon Jae-in cũng như các đối thủ trong PPP lập tức công kích, chế giễu Yoon.
Hong Joon-pyo, đối thủ hàng đầu của Yoon trong PPP, cáo buộc ông phải nhờ cậy vào lời khuyên của thầy cúng để thắng tranh luận, đồng thời đề cập bằng tiến sĩ mà vợ Yoon là Kim Keon-hee có được nhờ một nghiên cứu tập trung vào bói toán.
Hong cũng chỉ ra những thông tin cho thấy Yoon, 60 tuổi, đã đi cùng thầy bói sử dụng Kinh Dịch, hệ thống tư tưởng triết học của Trung Quốc ảnh hưởng đến Nho giáo và Đạo giáo, khi gặp cựu chính trị tra Kim Chong-in.
"Tôi kêu gọi Yoon từ bỏ chiến dịch bầu cử phụ thuộc vào bùa chú. Đây là những trò hề ngớ ngẩn chỉ làm suy yếu quyền lực chính trị của đất nước", Hong nói.
Yoo Seung-min, người đứng thứ ba trong số ứng viên PPP, sau Yoon và Hong, cho rằng cuộc đua giành đề cử của đảng cho bầu cử tổng thống năm tới đã bị vấy bẩn bởi "bùa chú và pháp sư giáo".
"Làm sao chúng ta có thể giành chiến thắng với một ứng viên dựa vào những điều mê tín?", Yoo đăng trên Facebook.
Lee So-young, phát ngôn viên DPK, so sánh sự tương đồng với cựu tổng thống Park Geun-hye và người bạn thân Choi Soon-sil, vốn thường dựa vào pháp sư giáo và quan niệm Trung Quốc về âm dương, ngũ hành. Cả Park và Choi hiện ngồi tù vì tội tham nhũng.
"Người dân nhớ rõ điều gì đã xảy ra khi một lãnh đạo không đủ tư cách đưa ra các quyết định chính trị theo thói mê tín và bùa chú", Lee nói.
Lee Jae-myung, ứng viên được kỳ vọng nhất của DPK, cho biết hành động của Yoon khiến ông nhớ đến Choi và được "trận cười sảng khoái". "Tôi vô cùng hiểu nỗi tuyệt vọng của ông ấy. Nhưng tốt hơn là ông ấy nên thêu chữ vào lớp bên trong quần áo", Lee cho hay.
Yoon phủ nhận chữ "vương" trên lòng bàn tay là bùa chú, khẳng định rằng một số người ủng hộ lớn tuổi trong khu phố đã gặp ông trên đường đến cuộc tranh luận và viết ký tự vào lòng bàn tay trái. Yoon thừa nhận lẽ ra ông nên xóa trước khi lên truyền hình.
"Các chính trị gia thích tham khảo ý kiến thầy bói và chuyên gia về phong thủy. Một số chính trị gia bị đồn mặc đồ lót màu đỏ để cầu may", Yoon nói với các nhà báo, hàm ý mỉa mai Hong.
Hong trước đó phủ nhận tin ông mặc đồ lót đỏ, dù thừa nhận thích đeo cà vạt đỏ vì đó là màu biểu tượng của "công lý và sự trong sạch", những từ bắt đầu bằng các chữ cái giống tên ông, Joon-pyo. Phe của Yoon sau đó phản công, chỉ ra rằng Hong đã đổi tên từ "Pan-pyo" thành Joon-pyo theo lời khuyên của thầy bói.
Nhiều chính trị gia Hàn Quốc bí mật tham khảo ý kiến thầy bói trong những năm bầu cử, trong khi nhiều người cũng mê tín. Cựu tổng thống Kim Dae-jung đã di dời mộ cha từ quê nhà ở Yongin, gần Seoul, vào năm 1997, hai năm trước khi đắc cử tổng thống. Kim đã thất bại trong ba lần ứng cử trước đó.
Lee Hoi-chang, cựu thủ tướng từng ba lần là ứng viên tổng thống, đã di dời mộ cha vào các năm 2004 và 2007, nhưng không đắc cử.
Tờ Korea Economic Daily năm 2018 đưa tin ngành bói toán của nước này sẽ có trị giá 3,7 tỷ USD, trong khi bài báo của Economist cùng năm chỉ ra Hàn Quốc có hơn 300.000 thầy bói và 150.000 thầy cúng. Các ứng dụng điện thoại thông minh cũng như sách liên quan bói toán rất phổ biến, nhưng nhiều người khó chịu khi sự mê tín đang lấn sang lĩnh vực chính trị.
"Các chính trị gia Hàn Quốc phải biết rằng hầu hết cử tri đều đã bỏ thói mê tín, việc chính trị gia phụ thuộc vào phong thủy, bói toán đang bị nhiều người phản đối", nhà bình luận chính trị Choi Jin bình luận. "Thật xấu hổ cho cả đất nước khi những người có triển vọng trở thành tổng thống đang cố dựa vào các tín ngưỡng lỗi thời để mong có cơ hội cao hơn trong các cuộc bầu cử vào thời cách mạng công nghiệp 4.0".
Huyền Lê (Theo SCMP)