Ngày 26/4, 4 thí sinh dự thi Tổng cục trưởng đường bộ bước vào vòng thi trình bày kế hoạch hành động của mình đến năm 2020. Hầu hết các bài tham luận đều đánh giá thực trạng; phân tích các mặt mạnh, yếu; các giải pháp, đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Tổng cục Đường bộ trong 10 năm tới.
Trình bày khá mạch lạc, tự tin, Chánh thanh tra Bộ Giao thông, thí sinh Nguyễn Văn Huyện đã nêu nhiều giải pháp kiểm soát tải trọng xe, siết chặt chất lượng các trung tâm sát hạch lái xe, quản lý quỹ đường bộ, công tác bảo trì đường, hệ thống an toàn giao thông...
Từ kinh nghiệm nhiều đợt kiểm tra, ông Huyện cho rằng, kiểm soát trọng tải xe khó hiệu quả khi lực lượng chức năng chưa thực hiện hết trách nhiệm. Do vậy cần rà soát lại văn bản pháp luật về vận tải và quản lý từ khâu bốc xếp hàng, bổ sung chế tài phạt chủ xe chở hàng; kiểm tra công vụ giữa bộ giao thông và công an để hạn chế tiêu cực trong lực lượng thực thi.
Trước câu hỏi của Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường về biện pháp chống tiêu cực trong cấp giấy phép lái xe, ông Huyện cho hay cần đẩy mạnh xã hội hóa cấp giấy phép lái xe. Tổng cục Đường bộ chỉ giữ lại ít trung tâm sát hạch còn lại xã hội hóa, song phải hậu kiểm.
"Hiện tiêu cực vẫn còn. Một số sát hạch viên vẫn cài bài cho thí sinh. Việc quản lý phải dựa vào công nghệ và con người", ông Huyện nói và cho rằng để chống tiêu cực trong lĩnh vực này cần kiểm tra đột xuất. Thanh tra viên phải có quyết định thanh tra trong người, mặc thường phục tiến hành kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành công bố thanh tra này. Xử lý kiên quyết với sát hạch viên thì sẽ nâng được chất lượng sát hạch giấy phép lái xe.
Trình bày trước Ban giám khảo, thí sinh Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Thiết kế GTVT, cũng đưa ra nhiều giải pháp chống tiêu cực và nâng cao chất lượng các công trình giao thông, đặc biệt là công tác bảo trì đường bộ. Ông Sơn nhấn mạnh công tác bảo trì đường bộ cần đưa công nghệ mới vào sửa chữa đường, tăng cường kiểm tra giám sát thường xuyên. Cùng với đó là cần quản lý tốt hành lang an toàn giao thông để góp phần giảm tai nạn.
Trả lời về hạn chế lớn nhất của Tổng cục Đường bộ hiện nay, ông Sơn thẳng thắn: "Tổng cục đường bộ không chủ động trong công tác của mình, vẫn chạy theo chứ những chương trình của ngành chứ chưa chủ động trong công tác của mình".
Ông cũng cho rằng, để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy thì phải phân cấp phân quyền gắn với chịu trách nhiệm từng cấp. Ví như hiện nay có đề cương dự án được giao cho Tổng cục, song cơ quan này lên gặp Thứ trưởng để duyệt đề cương. "Phân cấp không triệt để nên có tình trạng cán bộ cứ đẩy cái khó lên cho lãnh đạo, nếu bắt ông ký thì ông không dám ký", ông Sơn nhận xét.
Trao đổi với báo chí sau ngày thi, Thứ trưởng Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết, ông đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của các thí sinh, tất cả đều trình bày rõ ràng và tự tin để bảo vệ chương trình hành động của mình.
"Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh đến ý tưởng sáng tạo để nâng cao sự sáng tạo trong công tác quản lý nhà nước", ông Trường nói và cho hay, thí sinh đều đưa ra những ý tưởng rất mới và nếu thí sinh nào trúng tuyển tổng cục trưởng thì có thể quyết định ngay những đề án thực tế này cùng những chương trình hành động vào triển khai, áp dụng quản lý của tổng cục đường bộ sắp tới.
Thứ trưởng Trường cũng đánh giá, các thí sinh đều có quyết tâm rất cao, đặc biệt là xây dựng quyết tâm đổi mới đội ngũ cán bộ từ tổng cục trưởng đến nhân viên tổng cục là phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Trên cơ sở nguồn vốn hiện có nhưng tập trung vào khai thác hiệu quả nguồn vốn và tập trung những vấn đề nóng như: đào tạo và sát hạch lái xe, giải quyết vấn đề xe quá tải…
Dự kiến các bài thi sẽ được lãnh đạo Tổng cục đường bộ chấm ngay trong 2 ngày tới. Trường hợp nếu hai người có số điểm bằng nhau, hội đồng sẽ bỏ phiếu kín. Sau đó, Ban giám khảo sẽ làm việc và cân đối tổng số điểm của các thí sinh, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT và công bố ngay trong tuần tới.
Đoàn Loan