Giám đốc Bệnh viện K Trần Văn Thuấn cùng nhiều bác sĩ, bệnh nhân sáng 20/10 đạp xe để nâng cao nhận thức phòng chống ung thư vú. Chị Võ Thị Thanh Nhung, một bệnh nhân ung thư vú đã hoàn thành chặng đường đạp xe từ Bệnh viện K Quán Sứ lên Nhà hát lớn, tinh thần phấn chấn, vui vẻ.
"Tôi từng nghĩ ung thư xa vời, ở ngoài xã hội, chứ không rơi vào mình", chị Nhung 42 tuổi, nói.
Chị Nhung là Phó Giám đốc một ngân hàng ở Hà Nội phát hiện mắc ung thư vú 5 năm trước. Tự sờ thấy u cục ở vú, chị đi kiểm tra thì phát hiện ra ung thư. "Ngày biết tin, tôi sụp đổ", chị Nhung nói. Khi con trai 3 tuổi hồn nhiên hỏi "Con ngoan mà sao mẹ lại khóc?", chị mới choàng tỉnh. "Giây phút đó, tôi quyết tâm không cho phép bản thân gục ngã", chị Nhung kể lại.
May mắn, chị Nhung phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, các bác sĩ bệnh viện K đã tư vấn cho chị cách điều trị ung thư bảo tồn. Chị trải qua phẫu thuật bóc u, 8 đợt truyền hóa chất và 35 lần xạ trị. Mái tóc dài đen nhánh của chị rụng hết, lộ da đầu phải đội tóc giả. "Sau một năm điều trị, bác sĩ thông báo đã loại bỏ khối u thành công", chị Nhung nói.
Theo chị Nhung, ung thư ập đến với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác địa vị, phụ nữ hãy chủ động thăm khám vòng một của mình, ít nhất một tuần 2 lần bằng cách soi gương. Nếu thấy ngực thay đổi hình dạng, xuất hiện u cục, núm vú chảy dịch... hãy đi kiểm tra sớm nhất. "Ung thư như một đốm lửa, khi phát hiện sớm sẽ dập tắt được, nếu để bùng phát và lan rộng, cơ hội dập tắt rất khó", chị Nhung nhắn nhủ.
Giáo sư Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K, cho biết, thống kê của ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL), mỗi năm ở nước ta có gần 165.000 ca mắc mới ung thư, hơn 300.000 người đang sống chung với căn bệnh này. Tuy nhiên, ung thư vú là căn bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, tỷ lệ chữa khỏi cao và chi phí điều trị thấp.
Tại Việt Nam, hơn 70% bệnh nhân ung thư phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Càng phát hiện muộn thì việc điều trị càng phức tạp, tốn kém và hiệu quả càng thấp. Ví dụ ung thư phổi, ung thư gan có tới 80% đến 90% số bệnh nhân đến khám, điều trị ở giai đoạn muộn.
Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam. Xu hướng mắc có chiều hướng gia tăng qua các năm. Năm 2013 tỷ lệ mắc ung thư vú khoảng 24,44/100.000 phụ nữ, đến năm 2018 tăng lên tới 26,4. Ước tính trung bình mỗi năm trên toàn quốc có hơn 15.000 chị em mắc ung thư vú, trên 6.000 trường hợp tử vong, thường xuyên có 42.000 người đang sống chung với bệnh.
Ung thư vú là bệnh dễ phát hiện nhất thì cũng có tới 50% chị em đi khám ở giai đoạn muộn. Trong khi đó nếu phát hiện sớm, trên 95% trường hợp ung thư vú phát hiện sớm điều trị sẽ khỏi bệnh.
Giáo sư Thuấn chia sẻ, điều trăn trở nhất của ông hiện nay là ý thức của người dân, của cộng đồng về bệnh ung thư chưa cao. Vì thế ông cho rằng cần phải tăng cường các biện pháp chẩn đoán sớm, càng sớm thì việc điều trị càng hiệu quả và đơn giản.
"Ung thư biết sớm trị lành", ông Thuấn nói.
Người dân cần phải có thói quen khám sức khỏe định kỳ; duy trì lối sống lành mạnh tránh xa thuốc lá, không uống rượu bia, đồ uống có cồn, duy trì cân nặng hợp lý. Nên có chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế ăn thịt chế biến sẵn, hãy sử dụng kem chống nắng và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt. Bên cạnh đó thường xuyên luyện tập thể dục đều đặn để góp phần phòng ngừa ung thư.
Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, Bệnh viện K cũng phối hợp với Quỹ Hỗ trợ bệnh nhân ung thư - Ngày mai tươi sáng khám sàng lọc ung thư vú miễn phí cho nhiều phụ nữ.