Cô vốn năng động, không hút thuốc và ít uống rượu. Trong video Ai ngờ tôi lại bị ung thư? đăng tải trên kênh cá nhân, cô chia sẻ về lối sống và thói quen làm việc căng thẳng, thường xuyên thức khuya dậy sớm.
"Ung thư có thể đến với người trẻ, không có lý do rõ ràng", cô nói. Việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh không đảm bảo miễn nhiễm với căn bệnh này. Trường hợp của cô phản ánh xu hướng đáng lo ngại tại Hàn Quốc, khi ung thư ngày càng trẻ hóa.
Năm 2017, nam diễn viên Kim Woo-bin được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng khi mới 28 tuổi. Bác sĩ khi đó tiên lượng anh chỉ còn sống 6 tháng, nhưng hai năm sau anh khỏi bệnh. Nam diễn viên Jang Keun-suk, 37 tuổi, cũng tiết lộ đã chiến đấu với ung thư tuyến giáp suốt một năm.
Theo dữ liệu của Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc, số ca ung thư ở độ tuổi 20 và 30 đang gia tăng, phổ biến nhất là ung thư trực tràng. Từ năm 2016 đến 2021, số bệnh nhân ung thư ở độ tuổi 20 tăng gần 26%, từ 20.000 lên 25.300 người. Ở độ tuổi 30, con số tăng 7%, từ 78.400 lên gần 84.000 người. Mức tăng ở độ tuổi 40 và 50 lần lượt là 9% và 8%.
Số ca ung thư trực tràng tăng ở mức đáng chú ý. Trong vòng 5 năm, lượt chẩn đoán ở nam giới độ tuổi 20 tăng 107%, từ 100 lên 207 ca. Ở nữ giới cùng độ tuổi, con số này tăng 142%, từ 59 lên 143.
Một nghiên cứu của Trung tâm Y tế Đại học Colorado Anschutz cho thấy, Hàn Quốc có tỷ lệ ung thư đại tràng cao nhất ở nhóm tuổi 20-49, với 12,9 ca trên 100.000 người, đứng đầu trong số 42 quốc gia được nghiên cứu. Báo cáo Tỷ lệ ung thư gia tăng ở người trẻ cho thấy số người trưởng thành ở độ tuổi 20 được điều trị ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, gan và dạ dày đã tăng 45% chỉ trong 4 năm, ung thư vú tăng đến 40%.
Bệnh tật bắt nguồn từ sinh hoạt hàng ngày
Các chuyên gia y tế cho rằng căng thẳng quá mức và tình trạng sống một mình là nguyên nhân khiến tỷ lệ ung thư ở người trẻ tăng cao. Theo tiến sĩ Shin Hyun-Young, Giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Seoul St. Mary's, người trẻ ở riêng có thói quen ăn uống kém lành mạnh, ưu tiên lựa chọn thực phẩm chế biến sẵn và đồ ăn nhanh.
Theo dữ liệu đăng ký cư trú của Bộ Nội vụ, số hộ chỉ có một người ở Hàn Quốc đạt mức cao kỷ lục, hơn 10 triệu vào tháng 3 năm nay, chiếm 41,8% trong tổng số khoảng 24 triệu hộ gia đình.
Tiến sĩ Shin khuyến nghị nên ăn uống cân bằng giữa carbohydrate, chất béo và protein thay vì lạm dụng thực phẩm chức năng. Nên ăn cá, trứng, đậu phụ, phô mai và tránh các chất gây ung thư như xúc xích, thực phẩm chứa chất béo chuyển hóa, đồ chế biến sẵn và thịt nướng cháy. Bên cạnh chế độ ăn uống lành mạnh, mọi người nên bỏ thuốc lá và rượu bia.
Một báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015 đã chỉ ra mối liên hệ giữa thịt chế biến sẵn như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội với ung thư. Báo cáo ước tính, mỗi khẩu phần 50 g thịt chế biến ăn hàng ngày làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng lên 18%.
![Nữ diễn viên Park Min-young trong vai một bệnh nhân ung thư. Ảnh: tvN](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/20241126050015-0-1739536763-17-9267-3175-1739536869.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=MEjYjJn3TRrLPeJPkPK_BA)
Nữ diễn viên Park Min-young trong vai một bệnh nhân ung thư. Ảnh: tvN
Văn hóa doanh nghiệp hà khắc đẩy người dân đến bờ bệnh tật
Văn hóa doanh nghiệp Hàn Quốc được cho là thường thiếu cân bằng giữa công việc và cuộc sống, cũng là yếu tố khiến ung thư trẻ hóa. Tiến sĩ Shin cảnh báo, làm việc ca đêm, tiệc tùng sau giờ làm, thường xuyên sử dụng đồ uống có cồn khiến tâm lý và cơ thể căng thẳng. Căng thẳng góp phần gây ra những thay đổi ở cấp độ tế bào, khiến các tế bào khỏe mạnh trở thành ung thư. Các yếu tố môi trường như bức xạ cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp.
Cho Jung-jin, giáo sư y học gia đình tại Bệnh viện Đại học Hallym Dongtan Sacred Heart, đồng ý với quan điểm này. Dựa trên nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor, ông giải thích, căng thẳng có thể đánh thức tế bào ung thư. Nghiên cứu cho thấy chuột bị căng thẳng có nguy cơ phát triển ung thư cao gấp 4 lần so với những cá thể không gặp tình trạng này. Bên cạnh đó, tế bào diệt trừ bệnh tật tự nhiên, hàng phòng thủ đầu tiên chống ung thư, sẽ giảm số lượng khi con người căng thẳng, làm suy yếu khả năng chống lại sự phát triển ung thư.
Shim Kyung-won, giáo sư y học gia đình tại Trung tâm Y tế Đại học Nữ sinh Ewha, nhận thấy căng thẳng ở người trẻ bắt nguồn từ sự cạnh tranh gay gắt, từ việc cố gắng đạt điểm cao ở trường đến quá trình tìm kiếm việc làm và áp lực thành công trong công việc. Chu kỳ căng thẳng liên tục và tình trạng thiếu ngủ thúc đẩy thói quen ăn uống không lành mạnh. Đây như một hình thức "tự thưởng" bản thân sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Sàng lọc sớm là lời giải
Tiến sĩ Park Kui-seon, Giám đốc Trung tâm Tăng cường Sức khỏe tại Trung tâm Y tế Cha Ilsan, khuyến nghị người trẻ xét nghiệm, sàng lọc ung thư sớm. Trong trường hợp gia đình có tiền sử ung thư, tiến sĩ Park khuyên thực hiện siêu âm tuyến vú, nội soi dạ dày để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh.
Trước tình trạng gia tăng ung thư ở người trẻ, tháng trước, Hiệp hội Ung thư Hàn Quốc đã khởi động chương trình hỗ trợ bệnh nhân độ tuổi 20 và 30. Hàn Quốc sẽ chi trả một phần chi phí y tế để họ có thể tập trung điều trị, khoản hỗ trợ tài chính lên đến 1 triệu won (716 USD) mỗi người.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lưu ý, nhiều người trẻ lo lắng quá mức dẫn đến sàng lọc không cần thiết và chẩn đoán quá mức. Phát biểu tại diễn đàn của Viện Hàn lâm Y học Quốc gia Hàn Quốc, Myung Seung-kwon, giáo sư kiêm Hiệu trưởng Trường Khoa học và Chính sách Ung thư, Trung tâm Ung thư Quốc gia, khuyến cáo chỉ những người nguy cơ cao mới nên chụp CT vùng ngực. Dù vậy, một số cơ sở y tế chỉ định người trẻ làm điều này dù không cần thiết.
Nghiên cứu được Thư viện Y tế Quốc gia công bố vào tháng 7/2023, dựa trên dữ liệu từ 13 cơ quan ung thư ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đã phân tích xu hướng chẩn đoán quá mức ung thư tuyến giáp từ năm 1998 đến 2012. Kết quả cho thấy Hàn Quốc có tỷ lệ chẩn đoán quá mức ung thư tuyến giáp cao trong giai đoạn này, với 90,3% ở nam giới và 94,9% ở nữ giới.
Báo cáo nhấn mạnh việc chẩn đoán bừa bãi ung thư tuyến giáp có thể dẫn đến điều trị thái quá và gây tác dụng phụ không cần thiết. Giới chức cho rằng cần có các biện pháp toàn diện để giảm thiểu chẩn đoán quá mức và hạn chế sự gia tăng tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp ở người trẻ.
Thục Linh (Theo Korea Herald)