"Việc phối hợp đa mô thức hiện nay có nhiều tiến bộ giúp điều trị ung thư tiêu hóa đạt hiệu quả cao, thậm chí giai đoạn di căn không thể trị khỏi vẫn có thể giúp kéo dài thời gian sống chất lượng", TS.BS Lê Huy Lưu, Trưởng Khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, nói tại hội nghị khoa học kỹ thuật thường niên của bệnh viện, ngày 14/11.
Ung thư gan, dạ dày, trực tràng nhiều năm qua luôn nằm trong nhóm 5 loại dẫn đầu về số mắc mới và số tử vong ở Việt Nam, theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (Globocan). Năm 2022, cả nước ghi nhận hơn 57.600 ca mắc mới và hơn 45.000 trường hợp tử vong do ba loại ung thư này.
Theo bác sĩ Lưu, ung thư tiêu hóa ngày càng tăng và trẻ hóa, không ít người phát hiện bệnh ở độ tuổi 20 hoặc 30. Một số trường hợp xuất phát từ gene, số khác chưa rõ nguyên nhân. Yếu tố thuận lợi gây bệnh là chế độ ăn uống không hợp lý, lười vận động, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia...
Bên cạnh đó, TS.BS Lê Cao Phương Duy, Phó giám đốc phụ trách điều hành Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết ngày càng nhiều người có ý thức nội soi tầm soát bệnh, phát hiện sớm nên số trường hợp chữa khỏi nhiều hơn trước. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bệnh nhân đến viện ở giai đoạn muộn, khi đã có triệu chứng đi tiêu ra máu, đau bụng dữ dội, sụt cân, thậm chí khối u đã chiếm hoàn toàn diện tích lòng ruột gây nên tắc ruột.
Bác sĩ khuyến cáo người từ 45-50 tuổi nên nội soi tầm soát. Phát hiện, quản lý sớm viêm gan siêu vi B, C nếu có, không để dẫn tới xơ gan. Lắng nghe cơ thể, đi khám ngay khi có các triệu chứng bất thường. Thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ, hạn chế dầu mỡ và các thực phẩm chế biến sẵn, không nên ăn nhiều thực phẩm muối chua, tiêu thụ nhiều chất xơ, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia...
Lê Phương