Công bố trên tạp chí Lancet Public Health ngày 31/7, các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) đánh giá tỷ lệ 34 bệnh ung thư khác nhau giữa ba thế hệ: Baby boomer (người sinh từ năm 1946 đến 1964), thế hệ X (người sinh từ năm 1965 đến 1980) và thế hệ Millenials (sinh từ năm 1981 đến năm 1996).
Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc 17 loại ung thư, gồm ung thư tuyến tụy, ung thư vú và ung thư dạ dày tăng lên theo từng thế hệ, trong đó tăng mạnh nhất ở thế hệ X và Millenials. Các loại ung thư có mức tăng cao gồm ung thư tuyến tụy, đại trực tràng, thận, tử cung và tinh hoàn, ung thư niêm mạc dạ dày, ung thư ruột non, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư gan và ống mật, ung thư miệng và vòm họng, ung thư hậu môn, kaposi sarcoma (một dạng khối u mạch máu).
Những bệnh ung thư dường như đang suy giảm ở thế hệ baby boomer nhưng tăng ở hai thế hệ sau. Tỷ lệ mắc ung thư thận, ung thư tuyến tụy và ung thư ruột non tăng gấp đôi ở những người sinh từ năm 1965 đến 1996. Ngày càng nhiều người trẻ tử vong vì ung thư đại tràng, túi mật tinh hoàn và tử cung.
"Tỷ lệ mắc và tử vong tăng lên qua các thế hệ cho thấy đây không chỉ là hiện tượng ngẫu nhiên do sàng lọc và chẩn đoán thường xuyên hơn, rủi ro thực sự", giáo sư Hyuna Sung, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu chưa lý giải được xu hướng này, chỉ đưa ra giải thuyết. Các tác giả lưu ý 10 trong số 17 loại ung thư trở nên phổ biến hơn qua nhiều thế hệ có liên quan đến tình trạng béo phì. Theo Timothy Rebbeck, giáo sư về phòng ngừa ung thư tại Viện Ung thư Dana-Farber, béo phì dẫn đến viêm mạn tính, tổn thương tế bào và mô trong cơ thể, từ đó gây ung thư.
Theo Trung tâm Ung thư MD Anderson, nguyên nhân có thể không đến từ chỉ số khối cơ thể. Thay vào đó, thay đổi về độ nhạy insulin và sự gia tăng một số hormone thúc đẩy sự phát triển tế bào ngoài tầm kiểm soát, do đó dẫn đến ung thư.
Sự gia tăng tương đồng về tỷ lệ béo phì và ung thư, đặc biệt ở người trẻ tuổi cho thấy vấn đề bắt đầu từ thời thơ ấu, thậm chí trước khi trẻ được sinh ra. "Quá trình tổn thương tế bào bắt đầu sớm hơn, ung thư có độ trễ khoảng 20 năm. Nếu bạn bắt đầu bị béo phì khi 10 tuổi, có thể đến 30 hoặc 40 tuổi sẽ phát sinh tế bào ung thư", giáo sư Rebbeck đưa ra giả thuyết.
Theo các chuyên gia, mức tăng ung thư đáng báo động, song khuyến nghị người dân không nên lo ngại. Ung thư chẩn đoán trước 50 tuổi còn tương đối hiếm, tỷ lệ khoảng 350 ca trên 100.000 trường hợp mỗi năm, theo Viện Ung thư Quốc gia.
Nghiên cứu mới có mục đích cảnh báo người dân thay đổi lối sống sớm nhất có thể, hướng đến những thói quen tích cực, có tác động tốt. Các chuyên gia đề nghị duy trì trọng lượng cơ thể bằng cách tập thể dục thường xuyên, ăn theo chế độ cân bằng, ít thực phẩm siêu chế biến và thịt đỏ.
Khám sàng lọc dựa trên tiền sử bệnh lý gia đình, quan sát các thay đổi bất thường của cơ thể để phát hiện những dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư.
Thục Linh (Theo NBC News)