Tiến sĩ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết năm 2018 đánh dấu lần đầu tiên số bệnh nhân bị ung thư gan vượt qua ung thư phổi, xếp thứ nhất ở cả số mắc mới lẫn tỷ lệ tử vong tại Việt Nam.
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) thống kê năm 2018 Việt Nam có 25.335 ca mắc mới ung thư gan và 25.404 trường hợp tử vong vì bệnh này. Bệnh ung thư phổi xếp thứ hai với 23.667 người phát hiện bệnh trong năm và 20.701 người tử vong.
Việt Nam cũng xếp trong nhóm những nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất thế giới. Cứ 100.000 người thì có 23,2 người bị ung thư gan, ở cả hai giới.
Giáo sư Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam cho biết ung thư gan là ung thư tế bào nguyên phát của gan. Ở nước ta ung thư gan thường gặp ở cả nam lẫn nữ, nguy cơ đàn ông gấp ba lần phụ nữ. Bệnh khó phát hiện sớm nên tỷ lệ chữa khỏi thấp.
Ung thư gan tiến triển thầm lặng, ban đầu không có triệu chứng. Sau đó xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt, dễ nhầm lẫn như cảm giác ăn không ngon, khó tiêu, mệt, nặng ở dưới bờ sườn bên phải. Bệnh nhân đến gặp bác sĩ thường khi bướu đã lan rộng. Giai đoạn trễ thường có các triệu chứng như bụng trướng nước, không thèm ăn, mệt mỏi, vàng da...
Ung thư gan thường gặp ở người nhiễm viêm gan B và C, lạm dụng rượu, ăn thực phẩm chứa nấm mốc aflatoxin có trong các loại ngũ cốc ẩm mốc, các bệnh chuyển hóa như gan nhiễm mỡ, đái tháo đường... Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nếu không hành động rộng khắp và nhanh chóng, số người mang virus viêm gan sẽ tăng cao trong những năm tới.
Ung thư gan ở Việt Nam gia tăng nhanh và tỷ lệ tử vong cao là do chủng ngừa viêm gan B chưa đầy đủ. Người dân chưa có ý thức tầm soát ung thư gan định kỳ, đặc biệt là những người có yếu tố nguy cơ cao như nhiễm siêu vi viêm gan B, C, nghiện rượu, gia đình có người ung thư gan...
Các phương pháp điều trị ung thư gan chủ yếu hiện nay là phẫu thuật cắt gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần RFA hay vi sóng MWA, nút mạch hóa chất TACE, liệu pháp nhắm trúng đích đường uống. Hai yếu tố quan trọng nhất cần cân nhắc khi điều trị là kích thước của khối bướu và gan có bị xơ hay không.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người cần thực hiện tiêm ngừa viêm gan B, khám sức khỏe định kỳ. Bệnh nhân có virus viêm gan B, C, vấn đề sức khỏe về gan phải tích cực điều trị. Thực hiện tình dục an toàn. Không sử dụng chung những dụng cụ có thể gây trầy xước dính máu như bàn chải đánh răng, kim tiêm, kìm bấm móng tay, dụng cụ xăm. Duy trì trọng lượng hợp lý, hạn chế rượu bia, tránh các hóa chất gây ung thư, không ăn gạo, ngũ cốc nhiễm nấm mốc aflatoxin...