Một phòng bệnh tại khoa Ung thư Nhi, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên, có từ hai đến ba bệnh nhân. Đồ chơi nằm rải rác, thỉnh thoảng vang lên tiếng tivi hoặc tiếng cười nói của các em nhỏ. Một vài em trọc đầu do những đợt hóa trị kéo dài.
Gao Zhaoruoyi (phải) được chẩn đoán mắc bệnh ung thư năm 2017. Ảnh: SCMP |
Toàn khoa có 40 bệnh nhi, 90% trong số đó mắc ung thư máu hoặc ung thư hạch bạch huyết, Zhou Chenyan, Phó giám đốc khoa Nhi của bệnh viện cho hay. Phác đồ điều trị cho hai bệnh về cơ bản là giống nhau, đều sử dụng hóa trị và xạ trị.
Zhou chỉ ra rằng, quá trình cải tạo nhà cửa là nguyên nhân chính gây ra hàng loạt ca ung thư máu ở trẻ nhỏ. "Hơn 70% các bệnh nhân của tôi từ Tứ Xuyên vừa sửa lại nhà trong thời gian gần đây", cô cho biết.
Theo Zhou, hóa chất độc hại sử dụng trong vật liệu xây dựng và trang trí nhà cửa là yếu tố hàng đầu gây ra bệnh bạch cầu. Một trong số đó là formaldehyd. Đây là chất không màu, không mùi dùng trong keo dán và nhựa xây dựng để làm ván sợi. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, formaldehyd có thể gây bệnh ung thư.
Luật pháp Trung Quốc quy định, giới hạn an toàn của formaldehyd trong nội thất gia đình là 0,1mg/m3. Tuy nhiên, nhiều chủ nhà thường bỏ qua điều này.
Cô Zhou cho biết, một trong số những bệnh nhân của cô là Xuntao, đến từ Tứ Xuyên. Cậu bé được chẩn đoán ung thư năm 2012. Năm Xuntao 2 tuổi, cha em quyết định sửa nhà.
"Thằng bé bị sốt, các triệu chứng giống với bệnh cảm lạnh nặng. Tôi phải nghỉ việc để tập trung chăm sóc con", Liu Wei, cha của em chia sẻ. Từ năm 2012 đến nay, gia đình Xuntao đã phải chi trả một triệu nhân dân tệ (tương đương 142.000 USD) để điều trị ung thư cho con trai.
Liu Wei bế con trai Liu Xuntao trong phòng bệnh ung thư tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: SCMP |
Theo anh Liu, formaldehyd đã được sử dụng từ rất lâu, khi các tòa nhà mới được xây dựng và chào bán.
Thông thường, trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu cần được điều trị từ 2 đến 3 năm. Chi phí là khoảng 300.000 nhân dân tệ (42.000 đô la). Tuy nhiên đối với nhiều ca bệnh, đây mới chỉ là giai đoạn đầu. Hệ thống chăm sóc sức khỏe đại lục bao gồm y tế công lập và tư nhân. Bảo hiểm y tế công chỉ trả một phần chi phí phát sinh do bệnh hiểm nghèo. Vì vậy, nhiều gia đình phải vật lộn để trang trải tiền viện phí cho con em. Một số phụ huynh buộc phải nghỉ việc để chăm sóc cho con cái đổ bệnh.
Gao Yukang, 47 tuổi đến từ Tứ Xuyên, từng là một nông dân trước khi con gái Gao Zhaoruoyi được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu vào năm 2017. Năm 2013, gia đình Gao bỏ 500.000 nhân dân tệ để xây nhà. Hai năm sống trong nhà mới, con gái ông có biểu hiện đau đầu, ho và chán ăn. Gao cho rằng, nội thất chứa chất formaldehyd là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh.
Cô bé 14 tuổi hiện điều trị tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ Xuyên.
"Khó khăn lớn nhất chính là con bé không chịu ăn. Tôi không biết con muốn ăn gì. Nó không ăn bất cứ thứ gì. Tôi không thể từ bỏ. Tôi tin thuốc men sẽ hiệu quả. Đây là cách duy nhất. Tôi tin con tôi sẽ khỏi bệnh", Gao nói.
Đối với những gia đình thu nhập thấp, Bệnh viện Nhân dân tỉnh Tứ xuyên hỗ trợ gây quỹ, giúp trang trải chi phí y tế đắt đỏ.
Công nhân cải tạo nhà cửa ở Lệ Giang, Vân Nam, Trung Quốc. Ảnh: Shutterstock |
Cô Zhou cùng cha của các bệnh nhi ung thư tại bệnh viện đã thành lập một nhóm "đa năng" gồm 5 đến 10 người hỗ trợ loại bỏ formaldehyd khỏi nội thất tại các căn hộ mới ở Chengdu. Các phụ huynh tiến hành phun chất khử formaldehyd lên đồ đạc, tường nhà và các khu vực bị ảnh hưởng khác.
"Tôi hy vọng, công chúng sẽ nhận thức rõ ràng hơn về rủi ro của hóa chất độc hại sử dụng trong thiết kế nội thất khi được cảnh báo bởi cha của bệnh nhân ung thư. Phụ huynh cần có các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ con cái mình", Cô Zhou chia sẻ.
Zhang Su, một nhân viên y tế ở tỉnh Tứ Xuyên là thành viên tích cực của nhóm "đa năng". Năm 2016, con trai 19 tuổi của anh tái phát ung thư. Zhang cho biết trong khi sửa nhà, các thợ xây đã sử dụng formaldehyd. Anh phải chi trả 1,8 triệu nhân dân tệ cho liệu trình điều trị của con trai. Anh kể rằng, một số gia đình thậm chí phải bán nhà để trả tiền viện phí.
May mắn, một phác đồ điều trị hiệu quả có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh bạch cầu cho 70% bệnh nhi. Tại các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ thành công là 95%. Tuy nhiên ở Trung Quốc, tỷ lệ tái phát và tử vong do biến chứng là 30%. Bệnh bạch cầu chỉ được coi là khỏi hẳn nếu không tái phát trong vòng 5 năm sau khi ngừng thuốc.
Thục Linh (Theo South China Morning Post)