Gần đây, bà bị rong huyết nghiêm trọng, cân nặng giảm đột ngột, thỉnh thoảng ngất xỉu.
Tại Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có khối u buồng trứng kích thước 20x25 cm, polyp buồng tử cung. Thể trạng người bệnh rất kém, thiếu máu mức độ nặng do mất máu số lượng nhiều. Bệnh nhân còn có huyết khối tĩnh mạch chi dưới đang điều trị nội khoa theo đơn của Bệnh viện Tim Hà Nội, biến chứng nhồi máu phổi, cần phải điều trị bằng thuốc chống đông, làm cho tình trạng ra máu âm đạo diễn biến nặng hơn, đe dọa đến tính mạng.
Bác sĩ khoa Ngoại Vú – Phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội hội chẩn cùng bác sĩ Gây mê hồi sức và chuyên khoa Tim mạch để điều chỉnh thuốc chống đông, đảm bảo an toàn cho cuộc phẫu thuật và thời gian hậu phẫu. Trước mổ, bệnh nhân được truyền 6 khối hồng cầu 350 ml, tích cực nâng cao thể trạng.
Ngày 14/5, TS.BS. Vũ Kiên, Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, cho biết bệnh viện đã phẫu thuật không ít trường hợp khối u buồng trứng kích thước lớn, song trường hợp này có thêm bệnh lý tim mạch đặc biệt nguy hiểm. Đồng thời khối u buồng trứng kích thước lớn đã xâm lấn dính tử cung, thành chậu trái.
"Ca mổ cần diễn ra nhanh chóng, cầm máu kỹ để tránh chảy máu sau mổ cũng như nguy cơ nhồi máu phổi, não, tim... đều có thể ảnh hưởng tính mạng người bệnh", bác sĩ Kiên nói.
Bệnh nhân được cắt tử cung và 2 phần phụ, kết quả giải phẫu là ung thư buồng trứng. Hiện, bà đã hồi phục.
Ung thư buồng trứng là bệnh khó phòng ngừa, khó phát hiện sớm vì buồng trứng là cơ quan nằm sâu trong tiểu khung. Các triệu chứng thường âm thầm, mơ hồ, không đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh nội, phụ khoa khác. Khi triệu chứng đã rõ, bệnh thường ở giai đoạn muộn. Vì vậy, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để tầm soát, phát hiện và điều trị sớm nếu mắc bệnh.
Một số nghiên cứu cho thấy thuốc cổ truyền có thể giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe sau điều trị ung thư, tăng cường miễn dịch. Tuy nhiên, đến nay, các phương pháp chữa bệnh "không chính thống" đã được chứng minh không thể thay thế y học hiện đại trong khám, chữa bệnh, nhất là trong điều trị ung thư.
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên phủ nhận vai trò của y học hiện đại, sợ "đụng dao kéo", đặt cược sức khỏe và tính mạng vào thuốc nam, với hy vọng "khỏi bệnh".
Lê Nga