Số ca mắc ở người từ 15 đến 19 tuổi tăng hơn 330%, mức tăng ở thanh niên 20 đến 24 tuổi là 185%. Dữ liệu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) trình bày tại Tuần lễ Bệnh tiêu hóa vào cuối tháng 4.
Dù tỷ lệ tăng, song tổng số ca mắc vẫn ở mức thấp. Vào năm 2020, tỷ lệ mắc bệnh này ở trẻ từ 10 đến 14 tuổi là 0,6 trên 100.000 em, tăng không đáng kể so với con số 0,1 vào năm 1999. Tỷ lệ ở thanh thiếu niên tăng từ 0,3 lên 1,3 ca trên 100.000 em.
Điều này tương ứng với kết quả nghiên cứu của ĐH Chicago năm 2020, cho thấy tỷ lệ mắc bệnh ở bệnh nhân dưới 20 tuổi là 0,2%. Chương trình Giám sát Dịch tễ học (SEER) ước tính trong hơn 145.000 trường hợp ung thư đại tràng mắc mới trong năm 2019, có khoảng 290 ca ở trẻ em và thanh niên.
Tuy nhiên, tiến sĩ Tiago Biachi, bác sĩ chuyên khoa ung thư y tế tại Khoa Ung thư Đường Tiêu hóa, Trung tâm Ung thư Moffitt, cho rằng phát hiện mới là hồi chuông cảnh báo đến các bậc cha mẹ.
Giới y khoa vẫn chưa hiểu nguyên nhân số trường hợp ung thư ngày càng tăng. Song tiến sĩ Biachi chỉ ra một số yếu tố cần lưu ý. Ông cho biết ung thư đại trực tràng cần khoảng 5 đến 10 năm để phát triển từ polyp đến khối u. Điều này có nghĩa trẻ mắc ung thư có thể đã tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ gây bệnh kể từ khi còn rất nhỏ tuổi.
Tiến sĩ Jacqueline Casillas , bác sĩ huyết học và ung thư nhi khoa kiêm giám đốc y tế Viện Ung thư Trẻ em Jonathan Jaques, nhận định yếu tố lối sống như ít vận động, chế độ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thói quen dùng thuốc kháng sinh có thể là nguyên nhân quan trọng gây ung thư. Bà cũng đề nghị tìm hiểu các vấn đề xảy ra trước khi sinh ở trẻ em mắc bệnh.
Trong khi đó, tiến sĩ Anton Bilchik, bác sĩ phẫu thuật ung thư, trưởng khoa y và giám đốc Chương trình Tiêu hóa và Gan mật tại Viện Ung thư Providence Saint John, nhấn mạnh cần giải thích các con số trong nghiên cứu của CDC một cách thận trọng. Ông cho rằng số trẻ mắc ung thư đại trực tràng vẫn cực kỳ hiếm.
"Đây không phải lý do để bắt đầu sàng lọc ung thư ở trẻ em bằng những phương pháp như nội soi, chúng ta cần bàn kỹ về các nguyên nhân phía sau", ông nói.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, các yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm viêm ruột, viêm đại tràng, bệnh Crohn, tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng, các hội chứng di truyền như Lynch hoặc bệnh đa nang tuyến gia đình.
Triệu chứng phổ biến của bệnh là thay đổi thói quen đại tiện do táo bón hoặc tiêu chảy, đau bụng, chảy máu trực tràng, thiếu máu và thiếu sắt. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, có những triệu chứng này không đồng nghĩa với việc trẻ bị ung thư đại tràng. Chỉ khi trẻ bị đau bụng kéo dài hơn một hoặc hai tháng, phân lỏng có máu, thiếu máu và sụt cân, các bậc cha mẹ mới nên đưa con đi khám.
Lúc này, bác sĩ sẽ thực hiện xét nghiệm phân, xét nghiệm máu và chụp X-quang bụng, trước khi chuyển sang thủ thuật lớn hơn như nội soi.
Để ngăn ngừa bệnh, các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh cho con cái, bên cạnh việc thường xuyên vận động.
Thục Linh (Theo Yahoo News)