Xoay quanh việc nữ diễn viên Angelina Jolie dự định cắt bỏ buồng trứng để phòng ngừa ung thư buồng trứng, bác sĩ Nhân cho biết, đây là việc khá táo bạo và đang gây nhiều tranh cãi. Phẫu thuật cắt bỏ để dự phòng ung thư chỉ là một trong những lựa chọn và phương pháp này cũng không phải đảm bảo 100% là sẽ không mắc bệnh. Do đó, việc tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư là quan trọng hơn.
"Hiện nay Bệnh viện Ung bướu TP HCM vẫn chưa thực hiện được xét nghiệm đột biến gene BRCA1, BRCA2 và cũng không khuyến cáo nên cắt bỏ vú hoặc cắt bỏ buồng trứng nếu bệnh nhân xét nghiệm ở đâu đó có đột biến gene này", bác sĩ Võ Thanh Nhân, Phó trưởng khoa Ngoại I, Bệnh viện Ung bướu TP HCM, chia sẻ.
Theo bác sĩ Nhân, ung thư buồng trứng chia làm 3 loại chính là ung thư biểu mô buồng trứng, ung thư tế bào mầm buồng trứng và ung thư tế bào mô đệm dây sinh dục.
Điều trị ung thư buồng trứng chủ yếu là bằng phẫu thuật và hóa trị. Xạ trị hầu như rất ít có vai trò. Phẫu thuật là nhằm cắt bỏ buồng trứng bị ung thư, cắt tử cung và nội mạc lớn, nạo hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng, tức là nhằm giảm số tế bào ung thư càng nhiều càng tốt. Ngoài ra có thể phải cắt bỏ cả những cơ quan bị xâm lấn và di căn. Do buồng trứng nằm trong bổ bụng nên rất dễ di căn đến các cơ quan khác.
"Đây là bệnh tương đối ác tính, rất dễ tái phát trong 2 năm đầu nên kết quả điều trị cũng không cao", bác sĩ Nhân nhấn mạnh.
Các bằng chứng hiện tại cho thấy phẫu thuật có ảnh hưởng quan trọng đến kết quả điều trị. Khoảng 25% bệnh nhân có cải thiện về thời gian sống còn 3 năm nếu được thực hiện bởi các bác sĩ phẫu thuật ung thư phụ khoa.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà, Khoa Sản Phụ, Phòng khám Đa khoa quốc tế Yersin, ung thư buồng trứng là căn bệnh khá phổ biến, do bệnh khó phát hiện nên thường phải chữa trị vất vả mà tỷ lệ thành công không cao.
"Ung thư buồng trứng thường khó nhận biết ở giai đoạn sớm, những triệu chứng của bệnh rất đa dạng, dễ bị nhầm lẫn với các bệnh thông thường khác. Nếu bệnh nhân chủ quan không đi thăm khám sớm, không tầm soát định kỳ thì khi được chẩn đoán, khối u thường đã lan tràn khắp vùng chậu và ổ bụng", bác sĩ Hà cho biết.
Trên thực tế, có người thấy chướng bụng hoặc táo bón, ngỡ rằng có vấn đề về đường tiêu hoá, có người lại thấy bụng dưới to hơn, tưởng rằng mình mập ra hoặc tăng cân do tuổi tác, có người lại thấy tình trạng tiểu lắt nhắt, cứ cho rằng bị nhiễm trùng tiểu… Bệnh nhân đến khi đi thăm khám và phát hiện thì thường đã ở giai đoạn quá muộn, việc điều trị gặp nhiều rủi ro.
Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể gặp của ung thư buồng trứng
- Đau bụng, chướng hơi, không tiêu phù nề, co thắt.
- Thường xuyên buồn nôn, tiêu chảy, táo bón hoặc tiểu lắt nhắt.
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Ra máu âm đạo bất thường.
Lê Phương