Những ngày đầu tháng 10, Hà Nội và một số địa phương ghi nhận nhiều F0 từ người dân về quê. Thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến ngày 19/10, thành phố có 1.872 người về từ các tỉnh, thành miền Nam; qua xét nghiệm phát hiện 22 trường hợp dương tính với nCoV.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội, nói người từ các vùng dịch trở về thành phố càng nhiều, nguy cơ số ca nhiễm sẽ nhiều lên. "Giai đoạn này người dân nâng cao tinh thần tự giác, chấp hành tốt 5K để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng", ông Tuấn đề nghị.
Lãnh đạo CDC Hà Nội đánh giá, chính quyền gặp khó khăn trong việc tiếp cận danh sách người về địa phương bằng đường bộ và đường sắt. Các nhà xe, đơn vị đường sắt phải phối hợp chặt chẽ hơn, cung cấp đầy đủ để cơ quan chức năng rà soát, phục vụ phòng chống dịch.
Với các địa bàn có nhiều người từ nơi khác đến, công tác giám sát, quản lý của chính quyền cần được nâng lên một mức. "Ở đây vai trò của tổ Covid cộng đồng, thậm chí hàng xóm là rất quan trọng trong phòng dịch", ông Tuấn nói.
CDC Hà Nội khuyến cáo người dân về địa bàn ký cam kết theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày, khai báo y tế, thông báo với chính quyền để xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ bảy. Người có dấu hiệu bất thường như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... phải thông báo ngay cho cơ quan y tế.
Từ 1/10 đến nay, Nghệ An đón hơn 17.500 người từ các tỉnh phía Nam về quê, phát hiện 141 ca Covid-19, 3 ca tái dương tính. Trong đó, 27 ca đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, 52 ca đã tiêm một mũi.
Ông Bùi Đình Long, Phó chủ tịch tỉnh Nghệ An, cho rằng người dân về quê tự phát tiềm ẩn nguy cơ bùng phát Covid-19 dù chính quyền triển khai nhiều biện pháp như quản lý khu dân cư, tăng cường vai trò tổ Covid cộng đồng. Thực tế không tránh khỏi một số người không tự giác khai báo, không chủ động phòng chống dịch. "Tất cả người từ vùng dịch về cần tự giác chấp hành quy định phòng chống dịch, hạn chế đi lại, thăm hỏi nhau để hạn chế lây nhiễm", ông Long nói.
Về năng lực điều trị Covid-19, ông Long đánh giá hệ thống y tế địa phương có thể đáp ứng được cấp cứu thông thường, triển khai một số kỹ thuật nâng cao. Nếu dịch bùng phát với số ca bệnh cao như Bình Dương hay Bắc Giang thì hệ thống y tế của tỉnh quá tải. Người dân về quê với số lượng lớn cũng khiến các khu cách ly tập trung quá tải. Ngày 6/10, tỉnh phải kích hoạt các khu cách ly tập trung ở địa phương, nếu vẫn không đáp ứng thì sử dụng các trường mầm non.
Ông Nguyễn Tiến Cơi, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh Xã hội tỉnh Bắc Giang, nhìn nhận nguyện vọng về quê của người dân là chính đáng, nhưng không loại trừ rủi ro có người mang theo mầm bệnh, có thể lây lan ra cộng đồng. Do vậy, theo ông cách tốt nhất để phòng dịch là tổ chức đưa đón người dân, đảm bảo an toàn theo "quy trình khép kín".
Tỉnh Bắc Giang thông qua các hội đồng hương phía Nam để liên hệ, lập danh sách những người có nhu cầu về quê. Dựa vào thống kê này, tỉnh lên phương án sắp xếp các chuyến bay đón người dân trở về, theo thứ tự ưu tiên cho người già, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, người có bệnh...
Các huyện, thành phố căn cứ số lượng người dân sẽ trở về để chuẩn bị cơ sở cách ly, điều trị, huy động lực lượng tham gia chống dịch.
Trước khi lên máy bay trở về, người dân được xét nghiệm lần một. Khi về đến Bắc Giang, tất cả đều được đưa đi cách ly tập trung tại khách sạn hoặc cơ sở do địa phương thiết lập. Các khu cách ly tập trung đảm bảo đủ số phòng, tránh lây nhiễm chéo.
Nhờ cách làm trên, đến nay Bắc Giang đã đón gần 2.000 người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, phát hiện 19 ca dương tính, không để lây lan ra cộng đồng và không lây nhiễm chéo trong khu cách ly.
Cũng áp dụng giải pháp trên, đến nay Vĩnh Phúc đã đón 20.000 lượt người về quê, không để xảy ra lây nhiễm cộng đồng. Ngoài việc kêu gọi xã hội hóa để đưa người dân về bằng máy bay, tỉnh còn thực hiện triệt để phương châm mỗi xã, huyện, thành phố phải chuẩn bị đội xe túc trực để đón người dân bất cứ lúc nào. Nếu người dân về bằng máy bay đến sây bay Nội Bài, các xã, huyện cử xe đến đón; trường hợp người dân tự di chuyển thì đón dọc đường.
Người dân về đến địa bàn Vĩnh Phúc đều được đưa đi cách ly tập trung, miễn phí.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock, Đại học Sydney (Australia), đề xuất lúc này nên ưu tiên phân bổ vaccine để tiêm ngay cho người từ 50 tuổi tại các tỉnh, thành có nhiều người về quê.
"Hiện một số tỉnh, thành đã phủ xong mũi một vaccine cho toàn bộ dân số. Trong trường hợp vẫn thiếu vaccine, nên tạm hoãn tiêm mũi hai ở các địa phương này để ưu tiên vaccine cho người từ 50 tuổi ở các tỉnh nguy cơ cao. Đây chưa phải cách tối ưu nhưng cần thiết để tránh quá tải y tế cho các tỉnh đó", bà Thu Anh nói.
TS Nguyễn Thu Anh khuyến cáo chỉ nên cách ly tập trung những người về quê nếu địa phương đảm bảo sinh hoạt cho họ và không lây nhiễm chéo. "Với số lượng hàng nghìn người đổ về cùng một thời điểm, chắc chắn các khu cách ly tập trung sẽ quá tải. Vì vậy, các địa phương cần sẵn sàng phương án cách ly người dân tại nhà", bà nói.
Chuyên gia này cho rằng các địa phương cần củng cố hệ thống y tế tuyến xã, huyện để điều trị F0 triệu chứng nhẹ, chỉ trường hợp nặng mới chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện các tuyến chuẩn bị oxy, máy đo độ bão hòa oxy, thuốc cơ bản... "Các bệnh viện công lập, thủ tục mua sắm trang thiết bị mất nhiều thời gian, nên đây là việc cần chuẩn bị sớm", bà Thu Anh nói.
Bộ Y tế nên phân công mỗi bệnh viện Trung ương đảm nhiệm hỗ trợ một vài tỉnh tăng cường năng lực cấp cơ sở, như xây dựng trạm cấp cứu F0, tập huấn điều trị F0 tại nhà... Việc chuẩn bị này nhằm ứng phó tốt nhất với mọi tình huống có thể xảy ra, bởi khi dịch bệnh bùng phát, tốc độ lây lan nhanh, việc đầu tư nâng cấp hệ thống y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến tình trạng "không kịp trở tay".
Với người dân, bà Thu Anh khuyến nghị sau khi về quê cần tự giác phòng chống dịch, hạn chế hoạt động xã hội để chung tay với ngành y tế ngăn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
PGS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng nếu các tỉnh giám sát y tế chặt chẽ thì việc người dân về quê sẽ khó dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh. "Năng lực y tế các địa phương có quá tải hay không còn tùy thuộc vào khả năng giám sát, kiểm soát những người nguy cơ. Nếu linh hoạt việc cách ly, điều trị F0 theo thực tế địa bàn, sẽ hạn chế nguy cơ", ông Nga nhận định.
Hiện nay, nhiều địa phương đang trưng dụng trường học, ký túc xá... làm nơi cách ly tập trung, không đảm bảo an toàn, dễ lây nhiễm chéo. Vì vậy, ông Nga đề xuất chỉ nên cách ly tại nhà với những người về quê. Người đã tiêm vaccine thì rút ngắn thời gian hoặc chỉ cần theo dõi sức khỏe, thực hiện nghiêm 5K.
Trước đó, theo thống kê của Bộ Y tế, từ ngày 1 đến 9/10, tại 43 tỉnh, thành đã ghi nhận 180.000 người từ TP HCM và các tỉnh phía Nam về quê, hơn 1.031 người xét nghiệm dương tính Covid-19.
Viết Tuân - Tất Định - Nguyễn Hải