Tại cuộc họp báo tháng 5, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ sẽ làm việc với 5 nhà sản xuất TV lớn tại Việt Nam về quy định này. Trong đó, từ đầu tháng, Bộ đã bắt đầu làm việc cùng hai hãng Samsung và LG.
Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà sản xuất tham vấn ý kiến của cơ quan quản lý trước khi tích hợp nút truy cập tắt đến ứng dụng truyền hình trên điều khiển TV. "Nút tắt nào hướng người xem đến ứng dụng vi phạm pháp luật, Bộ sẽ yêu cầu gỡ nút, không kích hoạt nội dung và không được cài ứng dụng đó trên TV thông minh", ông Lâm nói.
Các nhà sản xuất cũng được đề nghị đưa nút tắt trên điều khiển và cài sẵn ứng dụng liên quan đến truyền hình, phát thanh và báo chí chính thống của Việt Nam lên TV thông minh trong những phiên bản sắp sản xuất. Điều này nhằm tạo điều kiện cho người dùng truy cập nhanh, thuận tiện các nội dung trên.
Trả lời VnExpress ngày 17/5, Samsung cho biết "cam kết tuân thủ pháp luật và chờ văn bản hướng dẫn của Bộ để làm việc với các nhà cung cấp ứng dụng".
Hiện nay, điều khiển TV của một số hãng lớn tại Việt Nam được cài sẵn các nút tắt như Netflix, Prime Video, Disney+, đều là dịch vụ xuyên biên giới. Một số khác có cài ứng dụng của Việt Nam là VieOn. Trên thế giới, Netflix cũng là một trong những nền tảng tiên phong trong việc tích hợp nút bấm tắt trên điều khiển, từ năm 2011. Một số cuộc điều tra cho thấy các nền tảng video sẵn sàng trả tiền cho nhà sản xuất TV nhằm tiếp cận nhiều người dùng hơn.
Trong bối cảnh nội dung xấu độc, vi phạm xuất hiện trên những nền tảng xuyên biên giới tới người dùng trong nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng cần ngăn chặn bằng việc thực thi chính sách cũng như thay đổi hành vi người dùng.
"Trận chiến cuối cùng là trên chiếc điều khiển TV", ông nói.
Theo ông, việc cài sẵn nút trên trên điều khiển TV tại Việt Nam có bất cập khi giúp người dùng truy cập dễ dàng nền tảng xuyên biên giới, trong đó có những nền tảng chưa tuân thủ đầy đủ, thậm chí vi phạm pháp luật. Trong khi đó, để vào một kênh truyền hình trong nước, người dùng phải sử dụng đến hai điều khiển, hoặc mất nhiều thao tác mới mở được. Việc này ảnh hưởng đến việc tiếp cận các nội dung báo chí chính thống.
Tại Việt Nam, cơ sở pháp lý cho việc quản lý ứng dụng trên TV thông minh nằm ở Nghị định 71 năm 2022 sửa đổi, bổ sung Nghị định 06 năm 2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Nghị định có hiệu lực từ đầu năm 2023, quy định doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình theo yêu cầu trên mạng Internet, trong đó có dịch vụ xuyên biên giới, thuộc nhóm phải có Giấy phép cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
Bộ Thông tin và Truyền thông đầu năm nay cho biết đã có văn bản yêu cầu các dịch vụ như Netflix, Apple, Amazon, Tencent, IQIYI có kế hoạch thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép.
Lưu Quý