Tuyên bố được ông Bernardo Mariano, giám đốc thông tin của WHO, đưa ra hôm 8/5.
Ứng dụng giúp kiểm tra tình trạng sức khỏe của người dùng dựa trên triệu chứng, chẩn đoán liệu họ có mắc Covid-19 hay không. Các dữ liệu liên quan sẽ được cá nhân hóa theo từng quốc gia.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc sẽ phát hành phiên bản toàn cầu của ứng dụng, tuy nhiên các nước trên thế giới đều có thể bổ sung thêm tính năng, tinh chỉnh các thông số để phù hợp với công dân.
Trước đó, Ấn Độ, Australia và Anh đã ra mắt ứng dụng sàng lọc nCoV bằng công nghệ riêng. Các tính năng thiết yếu bao gồm hướng dẫn người dùng kiểm tra y tế nếu cần thiết dựa trên các triệu chứng khai báo và ghi lại lộ trình của họ, cho phép theo dõi yếu tố dịch tễ một cách hiệu quả hơn.
Một số quốc quốc gia đang tăng cường truy tìm, xét nghiệm và cách ly các trường hợp tiếp xúc gần với ca dương tính. Đây được coi là hoạt động quan trọng nếu muốn mở cửa trở lại nền kinh tế. Các ứng dụng trực tuyến giúp tự động hóa quy trình này, đẩy nhanh nỗ lực dập dịch.
WHO kỳ vọng ứng dụng sẽ thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Nam Mỹ và châu Phi, nơi số bệnh nhân gia tăng nhanh chóng, song hạ tầng y tế chưa đủ năng lực chống chọi đại dịch.
Tổ chức này đang cân nhắc về các vấn đề pháp lý và quyền riêng tư của người sử dụng. Ông Mariano cho biết một số doanh nghiệp sẵn sàng lợi dụng công cụ thu thập thông tin sức khoẻ hòng tăng thêm doanh thu sau này.
"Chúng tôi muốn đảm bảo giải quyết toàn bộ rủi ro liên quan", ông khẳng định.
Để tiếp cận người dân các nước bị hạn chế quyền truy cập Internet, WHO cung cấp hướng dẫn cần thiết thông qua tin nhắn văn bản. Trong tuần tới, tổ chức này cũng có kế hoạch phát hành một ứng dụng dành riêng cho nhân viên y tế, hỗ trợ đồ bảo hộ và vật tư cần thiết để đối phó với dịch bệnh.
Nhiều nước châu Phi đang đứng trước nguy cơ bùng phát Covid-19 do một hệ thống y tế lạc hậu, lỏng lẻo và đầy lỗ hổng. Tình trạng thiếu vật tư y tế khiến công tác xét nghiệm và sàng lọc người mắc Covid-19 gặp nhiều vấn đề. Với ứng dụng mới, WHO kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập đó, trước khi dịch bệnh đạt đỉnh tại các quốc gia có nguồn lực hạn chế.
Thục Linh (Theo Reuters)