Những người như Samudra chính là nguyên nhân tại sao Đông Nam Á hiện là chiến trường quan trọng của các ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí. Khu vực này chưa có ứng dụng nào thống trị, mà thị trường có gần 600 triệu người dùng vẫn chưa nâng cấp từ điện thoại phổ thông lên thông minh. Điều này có nghĩa nhu cầu trong tương lai sẽ rất lớn.
Số liệu từ hãng nghiên cứu Nielsen cho thấy khoảng một nửa người dùng di động Thái Lan có smartphone. Tỷ lệ này tại Indonesia là 23% và Philippines là 15% - thấp hơn nhiều so với 71% tại Trung Quốc. Theo nghiên cứu của On Device Research năm ngoái, trung bình mỗi người dùng smartphone Indonesia có 4,2 ứng dụng nhắn tin trong điện thoại, gấp đôi người Mỹ.
Phần lớn các ứng dụng đang cạnh tranh tại Đông Nam Á không được biết đến nhiều tại phương Tây. Line, WeChat và KakaoTalk là những người chơi chính tại Đông Nam Á, theo sau là Viber. "Cuộc chiến tại đây rất khốc liệt. Lôi kéo người dùng trung thành với ứng dụng của bạn là rất quan trọng", Neha Dharia - nhà phân tích tại hãng nghiên cứu Ovum cho biết trên Wall Street Journal.
Đông Nam Á đang là thị trường hấp dẫn của các ứng dụng nhắn tin miễn phí. Ảnh: AFP |
Bên cạnh đó, kể cả khi các ứng dụng này là miễn phí, doanh nghiệp vẫn có thể kiếm lời nếu nhiều người dùng bỏ tiền cho các dịch vụ phụ, như mua đồ ảo để chơi game hay mua sticker – các biểu tượng cảm xúc có thể gửi kèm tin nhắn.
WhatsApp hiện là ứng dụng thống trị toàn cầu với hơn 500 triệu người dùng, nhưng cũng đang phải vật lộn cạnh tranh ở Đông Nam Á. Một phần vì các đối thủ biết cách đánh vào thị hiếu người dùng trong khu vực.
Tại Thái Lan, Line là ứng dụng phổ biến nhất nhờ chiến dịch quảng cáo và bộ sưu tập sticker dành riêng cho nước này. Còn tại Indonesia, hãng thiết kế sticker cho cộng đồng Hồi giáo với các hình ảnh cầu nguyện hay bắn pháo hoa trong lễ Ramadan. Line hiện có 450 triệu người dùng toàn cầu.
WeChat của Tập đoàn Tencent (Trung Quốc) là ứng dụng được ưa chuộng nhất Malaysia. Doanh thu của WeChat đến từ sticker và videogame. Họ lôi kéo người dùng bằng các chiêu khuyến mãi, như theo dõi tài khoản của hãng đồ uống Chatime trên WeChat sẽ được phiếu giảm giá. Còn tại Indonesia, WeChat tài trợ các gameshow ca nhạc và cuộc thi nhảy. Quý cuối năm ngoái, Tencent cho biết doanh thu của ứng dụng này vào khoảng 32-48 triệu USD.
Ở Indonesia, BlackBerry Messenger - ứng dụng nhắn tin của hãng điện thoại đang khốn khó BlackBerry vẫn là số một, do điện thoại này rất phổ biến tại đây. Tuy nhiên, kể cả những người trung thành như Samudra cũng đã bắt đầu để mắt đến các ứng dụng như WhatsApp hay Line.
Trong khi đó, Viber của Rakuten đang ngày càng trở nên phổ biến tại Malaysia, Philippines và Việt Nam. Họ hiện có hơn 300 triệu người dùng trên toàn cầu. "Đông Nam Á là thị trường cực kỳ quan trọng với Viber, nhờ dân số lớn và ngày càng nhiều người sử dụng smartphone", CEO Viber - Talmon Marco cho biết. Viber bán sticker và credit (tín dụng) để gọi điện cho những người không dùng Viber. Tuy nhiên, đến nay, hãng vẫn chưa có lợi nhuận khi lỗ 29,5 triệu USD năm ngoái.
Sirgoo Lee - CEO KakaoTalk gần đây cho biết hãng đang tập trung vào Malaysia, Philippines và Indonesia, khi ứng dụng này đang dần phổ biến tại Hàn Quốc. KakaoTalk hiện có 150 triệu người dùng, kiếm tiền bằng các trò chơi, sticker và cho phép người nổi tiếng hoặc các công ty gửi tin nhắn đến những người đăng ký theo dõi.
Hà Thu