"Viên thuốc được bọc popymer bên ngoài, trong lõi chứa thuốc và những chất dưới dạng nano giúp viên thuốc di chuyển đến tế bào ung thư", TS. David Vũ, nói tại hội thảo khoa học do Khoa Y, trường ĐH Văn Lang tổ chức ngày 24/9.
Chất dưới dạng nano - kích thước rất nhỏ, có khả năng xuyên qua màng tế bào ở cơ thể người, giúp viên thuốc gắn vào tế bào ung thư. Sau đó, viên sẽ vỡ ra dưới tác động của ánh sáng hoặc tia chiếu vào, đưa thuốc tiêu diệt tế bào ung thư mà không hại những tế bào lành xung quanh. Công nghệ này giúp bác sĩ sử dụng lượng thuốc ít hơn, nhắm trúng đích vào tế bào ung thư, vừa tăng hiệu quả điều trị vừa giảm tác dụng phụ lên cơ thể người bệnh.
Theo tiến sĩ Vũ, khi ở dạng nano, vật liệu thay đổi tính chất vật lý và hóa học, có ý nghĩa trong điều trị nhiều loại bệnh và giúp chẩn đoán bệnh bằng các chip nano hay đầu dò, phát hiện sớm tổn thương của cơ thể. Dao nano (nanoknife) cắt bỏ hoàn toàn khối u mà không ảnh hưởng đến các tổ chức xung quanh. Một số robot nano cũng hỗ trợ điều trị bệnh rất hiệu quả.
Một số bệnh, như đại tràng, công nghệ nano với những hạt rất nhỏ nhưng hoạt tính cao đưa thuốc đến tác dụng lớn ở vùng này mà không bị hấp thu khi đi qua dạ dày. Ở nhiều loại bệnh xương khớp, nano giúp tăng hiệu quả của thuốc và giảm các phản ứng không mong muốn.
Công nghệ nano phát triển ở nhiều nơi trên thế giới từ đầu những năm 2000, đến nay ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, cơ khí, y học, thực phẩm... Hiện, chế phẩm sinh học ứng dụng công nghệ nano thay thế cho thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe con người, hạn chế ô nhiễm môi trường đất và nước...
David Vũ, 56 tuổi, tiến sĩ vật liệu ngành hóa kỹ thuật, ĐH Nebraska - Lincoln. Ông có 28 bằng sáng chế được cấp ở Mỹ, trong đó 4 bằng sáng chế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), ứng dụng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn trong thực tế lĩnh vực y tế, nông nghiệp... TS. David Vũ từng được cấp sáng chế sử dụng công nghệ nano để chế tạo thuốc trị ung thư. Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới tạo ra màng nano chitosan với liên kết ngang (crosslinking). Đây là nghiên cứu đầu tiên tạo ra sợi nano starch acetate có kích thước nhỏ hơn 40 nanometer.
Lê Phương