Jeetu Patel, Phó chủ tịch kiêm Chủ tịch về bảo mật và ứng dụng của Cisco, cho biết hãng đã đầu tư khoảng một tỷ USD trong vài năm qua nhằm phát triển các khả năng của AI và thành quả của khoản đầu tư này đang "bắt đầu xuất hiện một cách đáng kể".
Cụ thể, Cisco giới thiệu một loạt tính năng mới tích hợp trí tuệ nhân tạo để cải tiến phần mềm họp trực tuyến. Từ tháng 2 năm tới, người tham gia cuộc họp có thể thực hiện một số hành động như giơ ngón tay và AI của Webex sẽ nhận diện, "dịch" cử chỉ đó thành biểu tượng thích trên màn hình.
Ngoài ra, nếu người tham gia sử dụng các ngôn ngữ khác nhau, ứng dụng có thể dịch trực tiếp theo thời gian thực bằng ngôn ngữ là tiếng Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Đức, Quan Thoại, Bồ Đào Nha, Ả-rập, Nga, Hà Lan và Nhật Bản.
Bên cạnh đó, khi họp trực tuyến, người dùng thường gặp một vài phiền toái như đồng nghiệp gõ bàn phím quá mạnh, thực hiện cuộc gọi, bật nhạc khi đang họp nhưng lại quên bấm nút tắt tiếng. Vì vậy, Webex bổ sung khả năng khử ồn, tức tự động phát hiện và giảm thiểu những tiếng động không liên quan, gây khó chịu cho người tham gia như tiếng giấy tờ sột soạt hay tiếng gõ lớn.
Phần mềm cũng bổ sung phụ đề, giúp người tham gia thuận tiện theo dõi cuộc họp ảo, đồng thời tạo bản ghi âm để có thể tìm kiếm lại khi cần.
Họp trực tuyến trở thành xu hướng của năm 2020 do Covid-19. Tại Việt Nam, dù đã trở lại trạng thái "bình thường mới", nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn duy trì họp từ xa thay vì gặp mặt trực tiếp. Trong khi Zoom là ứng dụng miễn phí phổ biến nhất, Webex được nhiều doanh nghiệp lựa chọn.
"Riêng trong tháng 10, Webex đã có gần 600 triệu lượt người tham gia, gần gấp đôi con số mà chúng tôi đạt được trong tháng 3", Chuck Robbins, Giám đốc điều hành Cisco, chia sẻ trong báo cáo tài chính hồi tháng 11.
"Các phần mềm họp trực tuyến như Webex giúp việc chuyển đổi mô hình làm việc kết hợp tại nhà và công sở, giảm thiểu phụ thuộc vào việc tuyển dụng dựa trên địa lý, mở cửa nền kinh tế toàn cầu và giúp mọi người tham gia vào sân chơi dù họ ở bất kỳ đâu", ông Patel nhận định.