Ngày 21/9, Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng cho biết ứng dụng đã triển khai thí điểm hơn một tháng. Từ ngày 5/8 đến 15/9, gần 2.500 lượt xe cấp cứu 115 được điều hành, quản lý trên hệ thống.
Ứng dụng gồm trên app điện thoại di động (DanaMap/Hanhtrinhso hoặc Danang Smart City) dành cho người dân, lái xe 115, kíp cấp cứu; phiên bản web, bản đồ trên màn hình phục vụ việc điều hành, quản lý của Trung tâm Cấp cứu và Sở Y tế.
Vào ứng dụng, người dân gửi vị trí GPS chính xác, giúp xe cấp cứu dễ dàng định vị và đến đúng vị trí yêu cầu với thời gian nhanh nhất. Nếu người dân không sử dụng điện thoại thông minh, ngay sau khi gọi cấp cứu sẽ nhận được tin nhắn SMS có chứa đường dẫn để mở bản đồ theo dõi vị trí, hành trình di chuyển của xe cứu thương.
Người gọi cấp cứu cũng có thể xem được xe 115 khởi hành hay chưa, hành trình đi, đoạn đường và khoảng thời gian đến chỗ mình để chủ động xử trí bệnh nhân trong thời gian chờ cấp cứu. Đồng thời, thông qua ứng dụng, người dân định vị được bệnh viện, trạm xá gần nhất; gửi đánh giá về chất lượng dịch vụ y tế; góp ý và nhận phản hồi về kíp cấp cứu...
Kết thúc ca cấp cứu, hệ thống tự động gửi tin nhắn SMS đến người gọi cấp cứu mời đánh giá chất lượng dịch vụ.

Xe cứu thương di chuyển trên đường phố Đà Nẵng, thời điểm là tâm dịch Covid-19, tháng 7/2020. Ảnh: Nguyễn Đông
Ứng dụng cũng giúp cơ quan quản lý là Trung tâm Cấp cứu, Sở Y tế chọn xe gần nơi yêu cầu, nhanh nhất để đến đón bệnh nhân; đồng thời giám sát hành trình xe, nếu có sự cố thì đổi, thay xe khác kịp thời. Toàn bộ hồ sơ bệnh nhân gồm tình trạng bệnh, quy trình xử lý, đơn thuốc; thông tin về lộ trình, vận tốc di chuyển của xe cứu thương... được tự động lưu trữ trên hệ thống ứng dụng.
Ứng dụng này do Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng phối hợp Sở Y tế, Trung tâm Cấp cứu thành phố triển khai, trong Đề án xây dựng thành phố thông minh và Đề án Chuyển đổi số trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Ông Trần Công Linh, nhân viên Phòng Tổ chức hành chính (Trung tâm Cấp cứu), cho biết đơn vị từng áp dụng hệ thống quản lý xe cứu thương, nhưng ứng dụng mới thông minh hơn từ việc xác định được vị trí người bệnh để điều xe cấp cứu nhanh nhất. "Hồ sơ cấp cứu người bệnh được nhân viên tổng đài số hóa từ khâu đầu vào, trong quá trình xử lý tiếp tục cập nhật thêm thông tin", ông Linh nói.
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, thành phố tiếp tục nghiên cứu và triển khai các tính năng chuyên môn nâng cao như video khám từ xa bệnh nhân đang trên xe cứu thương, cơ sở dữ liệu bệnh nhân giúp bác sĩ có thông tin về tiền sử bệnh để hỗ trợ chính xác, kịp thời.
Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy 114 và Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Đà Nẵng đưa ứng dụng giám sát xe cứu hỏa, xe rác đến với người dân, nhằm xử trí kịp thời trong tình huống cháy, điểm tập kết rác bị quá tải, thùng rác đầy...