"Thần tốc" xét nghiệm được xem là giải pháp then chốt nhằm sớm kiểm soát dịch Covid-19. Theo Bộ Y tế, trước sự lây lan rộng của biến chủng Delta, song song với xét nghiệm nhanh theo mẫu đơn từng người, một số nơi có thể làm mẫu gộp, mẫu đại diện để tăng tốc độ, tần suất xét nghiệm, nhanh chóng xác định F0 và các nhóm liên quan trong cộng đồng để kịp thời điều trị và hạn chế lây nhiễm.
Với các khu công nghiệp (KCN) có hàng nghìn công nhân và các doanh nghiệp đang mong muốn nhanh chóng trở lại hoạt động, xét nghiệm mẫu gộp, mẫu đại diện cũng là giải pháp hiệu quả để xây dựng các nhóm lao động "xanh", "doanh nghiệp xanh", đáp ứng việc sản xuất kinh doanh trong thời kỳ "bình thường mới". Nhờ giải pháp công nghệ "Việt Nam Khoẻ mạnh", một ứng dụng được xây dựng, phát triển với sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), việc xét nghiệm gộp 5-10 mẫu cho công nhân/người lao động ở các KCN, doanh nghiệp trở nên dễ dàng hơn, giúp giảm chi phí và xác định được chính xác tình trạng âm tính của mỗi cá nhân liên tục mỗi 72 giờ.
Theo đó, chỉ cần đăng ký trên ứng dụng "Việt Nam Khoẻ mạnh", công nhân, người lao động sẽ nhận được thông báo về địa điểm, thời gian xét nghiệm và được trả kết quả trực tuyến. Với lãnh đạo doanh nghiệp, thông qua nền tảng, sẽ theo dõi tổng quan tình trạng sức khoẻ của công nhân, người lao động, thông tin báo cáo trực tuyến, trực quan phục vụ cho việc quản trị và ra quyết định xử lý tình huống nhanh chóng theo tiêu chuẩn của ngành y tế.
Ban đầu, toàn bộ công nhân KCN, người lao động trong doanh nghiệp sẽ được tổ chức xét nghiệm theo mẫu đơn và cấp mã QR xanh cho từng cá nhân âm tính. Đồng thời, dựa theo địa chỉ sinh sống, gia đình của cá nhân đó cũng được cấp mã "Gia đình xanh". Khi các địa phương tổ chức xét nghiệm cộng đồng thì các "Gia đình xanh" này có thể không cần phải xét nghiệm (chỉ trong khung thời gian cho phép 72 giờ).
Sau khi sàng lọc và bóc tách các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm, công nhân, người lao động sẽ được chia nhóm làm việc và sinh hoạt, tiếp tục thực hiện xét nghiệm nhanh theo mẫu gộp. Ví dụ, ở các KCN, mỗi tổ lao động có 10 công nhân thì có thể xét nghiệm nhanh cho nhóm 30 công nhân bằng cách xét nghiệm 3 người đại diện cho 3 tổ lao động. Sau 72 giờ lại xét nghiệm lượt mới, lấy mẫu đại diện cho từng tổ lao động, nhưng người đại diện này khác với người lấy mẫu lần trước.
Theo phương thức xét nghiệm của "Việt Nam Khoẻ mạnh", mỗi tổ chức, nhóm có tất cả các thành viên đều được xét nghiệm âm tính hoặc đã tiêm 2 lần vaccine sẽ được công nhận là "Pháo đài xanh". Việc xét nghiệm được triển khai liên tục để duy trì nhóm lao động "xanh" trong KCN và loại trừ nhóm nguy cơ lây nhiễm từ sớm.
Giải pháp công nghệ hỗ trợ chống dịch
Được xây dựng, phát triển với sự tham gia của Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế), giải pháp "Việt Nam Khoẻ mạnh" đã được triển khai thành công ở nhiều nơi và áp dụng vào hoạt động xét nghiệm mẫu gộp mẫu đại diện, góp phần giúp các địa phương, tổ chức kiểm soát dịch bệnh, từng bước mở cửa trở lại an toàn.
Ưu điểm của hệ thống công nghệ y tế "Việt Nam Khoẻ mạnh" là kết quả sẽ được trả về tự động trên điện thoại hoặc email đã đăng ký, giúp công nhân tiết kiệm thời gian, hạn chế tập trung đông người. Đặc biệt, chi phí xét nghiệm cũng được tiết kiệm tối đa cho KCN và chính quyền địa phương. Theo tính toán, chi phí xét nghiệm tầm soát 3 ngày/lần cho mỗi công nhân viên làm việc theo nhóm 10 người là khoảng 200-250.000 đồng/tháng. Ngoài ra, giải pháp này còn cho phép doanh nghiệp dễ dàng thao tác cập nhật, lưu trữ kết quả, không còn các công đoạn giấy tờ thủ công.
Doanh nghiệp, các khu công nghiệp kỳ vọng đây sẽ là công cụ đắc lực hỗ trợ kiểm soát và quản lý toàn diện công nhân, người lao động từ khai báo y tế, đăng ký xuất nhập cảnh, thị thực, quản lý cách ly, truy vết, đăng ký xét nghiệm, tiêm chủng, khai báo di chuyển.
Việc triển khai các giải pháp số hóa không chỉ có ý nghĩa trong giai đoạn phòng chống dịch. Thay vào đó, hành vi và thói quen sử dụng công nghệ của người lao động sẽ thay đổi, đồng thời, Doanh nghiệp cũng có cơ sở dữ liệu đa dạng, nhằm quản lý và vận hành tổ chức trong tình hình mới, thúc đẩy chuyển đổi số trong tương lai.
Anh Ngọc
(Ảnh: Thuận Danh)