Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, năm 2020 có 98 nhiệm vụ được nghiệm thu và ứng dụng, trong đó nhiều đề tài phát triển và ứng dụng công nghệ phòng chống Covid-19. Một trong số đó là thành phố đã xây dựng hệ thống bảo vệ an toàn nhân viên y tế, người bệnh và tránh lây nhiễm chéo, thiết bị trợ thở có xâm lấn và mặt nạ thở bảo vệ bác sĩ, bệnh nhân. Các module container cách ly điều trị áp lực âm dã chiến cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 áp dụng trong bệnh viện tuyến đầu phòng chống dịch; module container đệm cách ly, tự động khử khuẩn bề mặt áp dụng trong bệnh viện dã chiến.
Sở Khoa học và Công nghệ đã chuyển giao cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý ca dương tính, nghi nhiễm (F0-F5), vùng cách ly, vùng dịch, địa điểm cách ly Covid-19. Danh sách phân bố các ca bệnh theo dải màu dịch tễ được thể hiện trên bản đồ; xây dựng cây sơ đồ mối quan hệ giữa các ca từ F0 đến F5... Trên nguồn dữ liệu này, các thông tin về diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới được thể hiện trực quan, sinh động và liên tục được cập nhật, đáp ứng nhu cầu dữ liệu cho các bài toán phân tích dữ liệu GIS về tình hình dịch bệnh.
Hiện, công ty Nanogen tại Khu công nghệ cao là một trong bốn đơn vị ở Việt Nam đang thực hiện đề án nghiên cứu sản xuất vaccine Covid -19. Hiện đã nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng trên động vật và đã thử nghiệm trên người.
Trong 113 mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tại các quận huyện, cơ quan, doanh nghiệp, ngành y tế đã thành lập trung tâm điều hành thông minh kết nối với 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ phòng chống Covid-19, theo dõi quá tải cấp cứu, trộm cắp...
Theo đánh giá, đóng góp của khoa học công nghệ trong tăng trưởng kinh tế của TP HCM thông qua chỉ số TFP trong 5 năm qua luôn ở mức cao, tăng dần qua các năm. Cụ thể năm 2016 là 35,3%, năm 2017 là 36,7%, năm 2018 là 38,1%, năm 2019 là 40%, năm 2020 ước đạt 42%.
Hà An