"4,7 tỷ người trên thế giới chưa có điều kiện tiếp cận với chẩn đoán hình ảnh. Tại Mỹ, mỗi năm có 12 triệu người bị chẩn đoán hình ảnh sai", ông Trương Quốc Hùng, Tổng giám đốc VinBrain nêu vấn đề tại Diễn đàn doanh nghiệp công nghệ số lần thứ 2 được tổ chức tại Hà Nội, sáng 23/12.
Theo đại diện của VinBrain, các bài toán trên có thể giải quyết nhờ AI. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế còn nhiều thách thức, như dữ liệu được lưu trữ rải rác tại các tỉnh thành, các bệnh viện; dữ liệu đồng đồng bộ do mỗi bác sĩ lại có kiến thức, kinh nghiệm khác nhau; trong khi đó, y tế lại là bài toán khó do cần sự kết hợp nhiều thông tin (dữ liệu lâm sàng, kết quả xét nghiệm, lịch sử bệnh lý,...).
Song song với thách thức, theo ông Hùng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển lĩnh vực này. Đại diện VinBrain cho rằng Việt Nam có nhiều bác sĩ giỏi, thậm chí được rèn luyện trong môi trường làm việc quá tải. Dân số 100 triệu đủ lớn để làm các bài toán AI. "Cùng với đó, Việt Nam có nhiều nhân tài trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời có nền tảng công nghệ cao, được hỗ trợ bởi chính phủ có tầm nhìn rộng", ông Hùng nói.AI
Từ các cơ hội và thách thức trên, VinBrain đã đưa ra giải pháp Dr Aid. Theo đại diện đơn vị phát triển, Dr Aid hiện có ba bằng sáng chế tại Mỹ và Việt Nam. Sau một năm phát triển, Dr Aid hiện có thể chẩn đoán được 18 thứ bệnh, có thể đưa kết quả trong 15 giây, và hiện được sử dụng bởi trên 350 bác sĩ.
Đây là sản phẩm AI trong lĩnh vực y tế đầu tiên mang trí tuệ của người Việt và đạt chuẩn Quốc tế. Theo ông Hùng, đội ngũ phát triển của Dr Aid gồm 95% tiến sĩ, thạc sĩ cả trong và ngoài nước, gồm nhiều nhân tài từ Microsoft, Google, Amazon, Adobe, cùng hơn 50 bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm tại Việt Nam.
"Bác sĩ ít kinh nghiệm có thể dùng hệ thống này, để làm được như bác sĩ 25-30 năm kinh nghiệm. Nó giải quyết triệt để các khó khăn mà chúng ta đang thấy, giúp đẩy mạnh chuyển đổi số trong y tế. Sẽ không còn bệnh án giấy và tạo môi trường làm việc mọi nơi mọi lúc", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, đại diện VinBrain cũng nhận định công cuộc này còn nhiều khó khăn và cần được được tư vấn, hỗ trợ từ Bộ Y tế, Bộ TT&TT,... cũng như sự cởi mở hợp tác của các địa phương, bệnh viện. "AI muốn hiệu quả thì cần liên tục học. Để trở thành AI hàng đầu thế giới, sản phẩm cần kết hợp các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các dữ liệu sạch từ các bệnh viện, thay vì để rải rác như hiện nay", ông Hùng nói, đồng thời kỳ vọng sản phẩm AI về y tế của Việt Nam sẽ vươn tầm thế giới.
Lưu Quý
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam 2020 với sự đồng hành của Viettel, FPT, BKAV, VinBrain, Be Group, TPBank, Asanzo, QTSC Software, CMC, MISA, FSI và MobiFone.