Xu hướng nhà thông minh
"Trước đây, AI thường gắn liền với các phát minh mang tính 'chiêm ngưỡng' như robot, máy tính. Hiện nay, AI đã tạo ra nhiều giá trị thiết thực hơn cho con người, khi gắn liền với cuộc sống hàng ngày", là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Phong, chuyên gia về Trí tuệ nhân tạo tại Viện Mila (Canada) tại tọa đàm "Kỷ nguyên mới của thiết bị gia dụng thông minh".
Theo ông Phong, AI đã dần hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Smartphone ứng dụng trí tuệ nhân tạo để làm trợ lý ảo; các ứng dụng xem phim, nghe nhạc ứng dụng các thuật toán AI để đề xuất nội dung phù hợp. Các thiết bị gia dụng như TV, máy lạnh, tủ lạnh... cũng có AI để giúp người dùng tiết kiệm thời gian và công sức. Trong thời gian tới, công nghệ này sẽ ngày càng phổ biến trong các gia đình, bối cảnh nhà thông minh "nở rộ".
Bà Nguyễn Y Mai, Phó tổng giám đốc, Giám đốc Ngành hàng Điện tử Tiêu dùng, Samsung Vina cho biết tại Việt Nam, tỷ lệ nhà thông minh trong năm 2019 đạt khoảng 1,2%, với doanh số đạt 105,5 triệu USD. Theo thông tin từ Einpresswire, tỷ lệ xâm nhập thị trường của nhà thông minh dự kiến sẽ tăng thêm 7,8% trong bốn năm sau đó.
Sự phát triển của nhà thông minh đi liền với sự hiện diện của AI. Công nghệ này được trang bị ở nhiều loại thiết bị khác nhau như smartphone, TV, loa, máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt.

Thiết bị gia dụng được ứng dụng AI giúp người dùng tiết kiệm thời gian, công sức.
Máy giặt ứng dụng AI
Mới đây, Samsung đã thành công trong việc ứng dụng AI lên máy giặt nhằm phân tích độ bẩn, tối ưu quy trình giặt, đồng thời ghi nhớ và đề xuất chế độ giặt ưa thích cho người dùng.
"Máy giặt được trang bị AI để có thể học hỏi hành vi người dùng, giúp việc giặt giũ được đơn giản hoá, giảm bớt gánh nặng cho người phụ nữ hiện đại - những người có lối sống năng động, bận rộn và yêu thích công nghệ. Họ mong muốn những thiết bị trong gia đình đáp ứng được mọi nhu cầu bằng giọng nói hay chỉ cần một chạm", bà Nguyễn Y Mai nói.
Cảm biến AI Wash gồm hệ thống bốn cảm biến, đảm nhiệm bốn yếu tố quyết định hiệu quả của một mẻ giặt, gồm: khối lượng giặt, độ bẩn áo quần, lượng nước và lượng nước giặt xả. Trong quá trình giặt, cảm biến độ bẩn sử dụng ánh sáng để truy quét vết bẩn, từ đó điều chỉnh thời gian giặt cũng thêm bớt nước giặt xả phù hợp.

Cảm biến AI Wash phân tích thông tin quần áo, tối ưu quá trình giặt.
Bảng điều khiển AI Control với giao diện tiếng Việt được loại bỏ hầu hết nút bấm. Người dùng không cần căn chỉnh quá nhiều thông số, dẫn đến bối rối trước hàng loạt chức năng trên bảng điều khiển máy giặt như trước đây. Nhờ AI, máy có thể ghi nhớ và phân tích dữ liệu 25 lần giặt gần nhất. Người dùng chỉ cần xoay nút vặn truy cập lịch sử, tìm chu trình giặt yêu thích tối ưu mà không cần phải tùy chỉnh thêm.
Ngăn nước giặt xả thông minh AI Dispenser có khả năng tự động cân chỉnh lượng nước giặt và nước xả phù hợp với khối lượng của quần áo. Một lần đổ đầy, máy có thể giặt 16-20 lần, tương đương một tháng sử dụng trung bình. Khi nước giặt trong ngăn đã hết, máy giặt sẽ tự động báo tín hiệu cảnh báo.
Công nghệ hỗ trợ giảm rung ồn VRT Plus, kết hợp giữa thiết kế khung máy mới mang lại sự ổn định cao hơn. Bộ cảm biến phát hiện rung ồn giúp tự động điều chỉnh tốc độ quay vắt và tối ưu hiệu quả vận hành của động cơ. Theo thử nghiệm của Samsung, máy giặt thông minh có khả năng giảm ồn, giảm rung tốt hơn 30% so với máy giặt thông thường.
Samsung AI có thể kết nối hệ sinh thái thiết bị gồm TV, tủ lạnh Family Hub, các sản phẩm gia dụng khác thông qua Internet of Things trên smartphone. Người dùng có thể điều khiển máy giặt mọi lúc mọi nơi, bao gồm cả việc đề xuất chế độ giặt theo loại vải và quản lý thời gian giặt giũ mong muốn.
Theo đại diện Samsung, ứng dụng của AI vào máy giặt cho thấy trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phổ biến, đáp ứng nhu cầu cho mỗi gia đình, giúp đơn giản hóa việc nhà. Người dùng sẽ được hưởng lợi ích từ các tiến bộ của công nghệ toàn cầu, trong cả việc giặt giũ.
Minh Tú (Ảnh: Samsung)