Tôi gặp Azad trong phòng làm việc của ông ở New Dehli. Azad đang xử lý hàng loạt vụ khiếu nại. Ấn Độ đã có “Luật về quyền thông tin” - một luật cho phép người dân biết mọi thông tin mà các cơ quan sử dụng ngân sách nắm giữ - được 11 năm. Từng đó năm, rất nhiều scandal của chính quyền bị bạch hoá, nhưng cũng từng đó năm, là những khiếu nại liên tiếp của người dân vì cơ quan nhà nước không chịu minh bạch thông tin. Uỷ ban của Yashovardhan Azad giải quyết các tranh chấp đó.
Yashovardhan Azad, khả kính với mái tóc trắng và vẻ điềm tĩnh của một người làm tình báo, chậm rãi gỡ kính ra và kể cho tôi nghe một câu chuyện. Đó là lần ông gặp một nguyên đơn. Một người dân nghèo ở Mumbai, suốt 5 năm ròng đi tìm thông tin về chế độ đãi ngộ dành cho người cha đã mất. Azad đã cố giúp. Như ông nói, “tôi sẽ dùng tất cả quyền lực của mình để giúp dân nghèo”. Nhưng vụ đó vẫn thất bại. Azad kể rằng ông đã rút ra 5.000 rupee tiền túi - khoảng một triệu rưỡi đồng - và bí mật gửi cho người dân nghèo kia, không tiết lộ danh tính.
“Luật về quyền thông tin” của Ấn Độ cho phép rất nhiều điều kỳ diệu xảy ra. Người dân được hỏi nhà nước thông tin, và nhà nước buộc phải trả lời. Nhà báo Shyamlal Yadav của báo India Express kể cho chúng tôi nghe về những chiến tích của anh.
Năm 2008, anh viết 60 lá đơn gửi lên 30 bộ yêu cầu một thông tin đơn giản: trong 3 năm qua bộ trưởng đã đi công tác ở đâu. Yadav mất vài tuần tính toán, rồi đưa ra một con số: trong 3 năm rưỡi, các bộ trưởng đã công du với tổng khoảng cách bằng 256 vòng trái đất. Dư luận bị sốc.
Tiếp đà, Yadav lại yêu cầu các bộ cung cấp lịch trình công tác của tất cả các viên chức. Kết quả: 1.200 viên chức bộ ngành của Ấn trong 3 năm rưỡi đã di chuyển một khoảng cách bằng 74 lần trái đất - mặt trăng. Sau loạt bài của anh, Thủ tướng Manmohan Singh phải ra quy định siết chặt việc đi công tác của các bộ.
Nhưng đằng sau những chiến tích của sự minh bạch, tôi vẫn gặp sự bất lực của ngài Yashovardhan Azad. Một nhà tình báo kỳ cựu mà có lúc không lấy nổi một thông tin về trợ cấp cho người nghèo.
Ngày 6/4 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật tiếp cận thông tin, một luật rất gần với “Luật về Quyền thông tin” của Ấn Độ và nhiều quốc gia phát triển khác. Luật sẽ có hiệu lực từ năm 2018.
Đó là tín hiệu vui trong quá trình thúc đẩy sự minh bạch ở nước ta. Khoảng cách về niềm tin giữa người dân và chính quyền lâu nay xuất hiện nhiều dấu hiệu rạn nứt, chính bởi sự thiếu minh bạch. Liên hệ với câu chuyện của Ấn Độ, hẳn rất nhiều người Việt Nam muốn biết rằng những chiếc xe biển xanh đang được sử dụng thế nào, tại sao đôi lúc lại thấy nó ở lễ hội và chúng đang được sử dụng hiệu quả hay lãng phí. Sự mất niềm tin đôi khi xuất phát từ những hoài nghi nhỏ nhặt.
Quốc hội thông qua “Luật tiếp cận thông tin”, cũng tức là quyền được biết của người dân được luật hoá. Nhưng từ luật đi vào đời sống sẽ còn rất nhiều vấn đề. Ngày Quốc hội thông qua Luật, tôi lại nhớ đến câu chuyện của Ấn Độ.
11 năm Ấn Độ luật hoá quyền được biết, là bao nhiêu cái xấu bị phanh phui, như những gì mà nhà báo Shyamlal Yadav đã làm được.
Nhưng 11 năm Ấn Độ luật hoá quyền được biết, vẫn còn bao nhiêu sự bất lực như Yashovardhan Azad đã chứng kiến. Ông có quyền, nhưng vẫn chịu đựng chính hệ thống mà mình góp công tạo dựng. 5.000 rupee mà Azad gửi cho người dân nghèo kia, không chỉ nói lên tấm lòng của ông, mà nói lên một thái độ: ông biết người dân kia đã đúng, anh ta có quyền được biết, nhưng không thể giúp gì được hơn.
5.000 rupee của nhà tình báo tố cáo một khoảng cách mênh mông từ luật đến cuộc sống. Tôi nhớ đến câu chuyện đó, và hiểu rằng để quyền thông tin của người dân được thực thi, thì luật chỉ là một yếu tố. Trước hết, chính hệ thống công quyền phải sẵn sàng minh bạch. Còn nếu “có ba gói mì tôm mỗi ngày mà người ta cũng lấy một gói” - như chuyện xà xẻo trợ cấp của anh Ngô Trung Sổng tàn tật ở Hà Nam - thì quyền được biết của dân sẽ bị chống lại bằng mọi cách.
Hệ thống của chúng ta liệu đã sẵn sàng để thực thi quyền được biết của dân hay chưa? Tôi không thể trả lời câu hỏi này, nhưng biết chắc chắn rằng, khi người ta muốn che giấu thông tin để vụ lợi, thì không luật nào theo kịp sự ứng biến của con người.
Và người Việt Nam chúng ta, luôn giỏi trong ứng biến.
Đức Hoàng