Hôm 23/5, tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ công bố báo cáo toàn cầu của UNESCO năm 2018 sau khi thực hiện Công ước bảo vệ, phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa (gọi tắt là Công ước 2005). Báo cáo phân tích những tiến bộ mà 146 quốc gia thành viên đã đạt được trong việc thực hiện Công ước đồng thời chỉ ra thách thức của quá trình thúc đẩy sáng tạo.
Hiện nay, các quốc gia phát triển vẫn là thị trường ưu việt cho nghệ sĩ và nhà hoạt động nghệ thuật của các nước đang phát triển. Tuy nhiên, các nghệ sĩ hoạt động xuyên quốc gia bị cản trở bởi một số biện pháp an ninh quốc tế, giấy phép lao động, thủ tục thị thực phức tạp, chi phí cao. Bên cạnh đó, các rào cản thương mại, sự thiếu hụt biện pháp ưu đãi, hạn chế nguồn nhân lực và tài chính cản trở sự thâm nhập của các nước đang phát triển vào thị trường sản phẩm văn hóa của quốc gia phát triển.
Số lượng quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam) được miễn thị thực đã tăng lên từ 70 nước (năm 2015) lên 75 nước (năm 2017) nhưng vẫn thấp hơn số lượng các quốc gia phát triển.
Tại hội nghị, PGS.TS Lương Hồng Quang chỉ ra thách thức đối với sự phát triển không gian sáng tạo ở Việt Nam. Theo ông, một số đơn vị không đủ tiềm lực, năng lực kinh doanh và cạnh tranh mặt bằng ở Hà Nội và TP HCM. Đơn vị sáng tạo nghệ thuật chưa đáp ứng được tiêu chí của UNESCO như phải có chính sách phát triển cụ thể. Hơn nữa, Việt Nam gần như không có quỹ hỗ trợ đối tượng này.
Ngoài ra, báo cáo còn đề ra khung phương pháp giám sát tác động của việc thực hiện Công ước như: Hỗ trợ các hệ thống quản lý văn hóa bền vững, tích hợp văn hóa vào khung phát triển bền vững, thúc đẩy quyền con người và tự do cơ bản.
Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa có 146 quốc gia thành viên. Công ước định hướng các nỗ lực của UNESCO trong việc tăng cường năng lực sáng tạo, sản xuất và phân phối sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa. Báo cáo toàn cầu 2018 là kết quả làm việc của 10 chuyên gia độc lập, các cộng sự cùng Thư ký Công ước.
Trọng Trường