Tại chợ Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, sáng 18/7, rất đông người dân chen chúc mua thịt cá, rau củ, quả... "Chợ hôm nay đông hơn chợ Tết, người mua, người bán đều tập trung rất sớm. Các mặt hàng tươi sống như thịt, cá, trứng được tiểu thương chuẩn bị rất nhiều", bà Nguyễn Thị Cho, 60 tuổi, người dân địa phương nói.
Giá bán cũng tăng 20-30%, riêng các loại rau màu, trứng tăng gần gấp đôi. Cụ thể, giá rau má, rau nhút, khổ qua, cà chua, dưa leo... từ 10.000-20.000 đồng mỗi kg tăng lên 35.000-50.000 đồng. Trứng gà, vịt 20.000-25.000 đồng mỗi chục tăng lên 40.000-50.000. Nhiều tiệm tạp hóa, mỳ gói bình thường bán mỗi thùng 90.000 đồng (30 gói) nay chỉ bán mỗi người 10 gói, giá 4.000-4.500 đồng một gói.
Tình trạng hàng hóa thiết yếu tăng giá diễn ra tại nhiều chợ ở các địa phương của Hậu Giang trong hai ngày qua. Tại một số siêu thị ở TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy, nhu cầu khách hàng tăng 40-50%. Trong khi đó, nhiều chợ, siêu thị ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An, Bến Tre... cũng xảy ra tình trạng tương tự.
Ở Đông Nam Bộ, chiều 18/7, Bà Rịa trời đổ mưa tầm tã, nhiều người vẫn đổ ra đường đi mua sắm, gom rau, củ, quả tích trữ trước giờ giãn cách. Sau khi các chợ trong thành phố dừng hoạt động vì Covid-19, tiểu thương bày hàng bán vỉa hè dọc đường, trước hiên nhà đã thu hút đông người.
"Từ sáng đến giờ, tôi chở hơn mười chuyến rau bí ra đây và đều hết sạch trong vài phút. Cắt không kịp bán", bà Loan, bán rau trên đường Trần Hưng Đạo, phường Phước Nguyên nói và cho biết, loại rau này trước đây 10.000 đồng mỗi bó thì nay đã tăng gấp đôi. Trồng gần 4.000 m2 rau bí ở xã Tân Hải (thị xã Phú Mỹ), gia đình bà huy động hơn 10 người cắt và chia nhau tỏa đi các huyện bán. "Chuyến này nữa là sạch không còn một cọng rau", bà nói.
Bước ra từ quầy rau củ quả cạnh đó, chị Lê Thị Tâm, ở phường Hòa Long cho biết, lúc 14h đi mua hàng về dự trữ nhưng kết quả chỉ mua được 2 trái bí ngô và một củ gừng. "Rau củ giá đã tăng gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Các tạp hóa mỳ tôm không còn để bán, trứng gà không còn một quả", chị Tâm nói.
Tại các tiệm tạp hóa, siêu thị, mặt hàng mỳ tôm, trứng và đồ ăn nhanh "cháy hàng". "Từ tối qua, lượng người đến mua tăng gấp ba so với ngày thường. Bây giờ các mặt hàng ăn nhanh đều hết sạch và nguồn cung bị đứt", anh Nguyễn Tuyến Châu Hưng, chủ tạp hóa trên đường Điện Biên Phủ nói.
Lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh đều khẳng định địa phương đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đáp ứng đủ nhu cầu lương thực phẩm cho người dân trong 14 ngày giãn cách xã hội. "Nguyên tắc là xã lo xã, phường lo phường, huyện lo huyện. Chừng nào thiếu thì tỉnh sẽ điều phối hàng về", ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Công thương Bà Rịa - Vũng Tàu nói.
Theo ông Đồng, địa phương có thể cung cấp trong một tháng với 9.600 tấn thịt các loại; 31.000 tấn rau, củ, quả; 21.000 trứng gia cầm. "Riêng các mặt hàng dầu ăn, đường, gia vị, thực phẩm chế biến... sẽ lấy ở các tỉnh lân cận", ông Đồng nói và khẳng định hàng hóa ở Bà Rịa – Vũng Tàu "rất dồi dào, hôm nay hết, mai đầy ắp".
Ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang cho biết, từ ngày mai, hệ thống siêu thị, chợ truyền thống ở tỉnh vẫn hoạt động bình thường. "Hiện các địa phương và doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu bình ổn giá khoảng 35.000 tấn với trị giá gần 600 tỷ đồng, đảm bảo phục vụ nhu cầu của khoảng 730.000 người dân trong thời gian giãn cách xã hội", ông Phong nói.
Theo Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Hà Vũ Sơn, lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân được các doanh nghiệp, hệ thống hơn 130 siêu thị, cửa hàng tiện ích chuẩn bị có tổng trị giá khoảng 600 tỷ đồng. Thành phố đảm bảo hàng hóa thiết yếu cho khoảng 1,2 triệu dân.
Sở Công thương Cần Thơ cũng mở thêm 2 điểm bán hàng hóa thiết yếu tại quận Cái Răng, Ninh Kiều, mỗi ngày 10-20 tấn thịt heo, gà, vịt cùng 6-10 tấn rau củ quả. Ngoài ra, đơn vị mở riêng điểm bán hàng phục vụ cho gần 300 sinh viên, giáo viên Đại học Cần Thơ bi kẹt lại trường trong mùa dịch.
Tại Bến Tre, những ngày qua, lượng hàng hóa nhập về tăng 30%, khoảng 70 tấn một ngày. Ở Long An, ngoài 4 siêu thị, 111 cửa hàng tiện ích và 125 chợ truyền thống vẫn hoạt động, các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa khoảng 318 tỷ đồng.
Làn sóng Covid-19 thứ tư ở phía Nam từ TP HCM lan ra các tỉnh từ cuối tháng 5. Đến nay, tất cả 6 tỉnh, thành Đông Nam Bộ và 13 địa phương Tây Nam Bộ đều xuất hiện ca nhiễm. Trong đó, TP HCM 29.081 ca, Bình Dương 2.580 ca, Đồng Tháp 1.255 ca, Tiền Giang 762 ca... Tính đến chiều 18/7, 19 tỉnh, thành này đã ghi nhận 36.407 ca, chiếm 77% số ca của cả nước (47.343 ca).
Từ 0h ngày 19/7, thêm 16 tỉnh thành ở hai khu khu vực này sẽ áp dụng Chỉ thị 16 trong 14 ngày, sau khi TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai đã thực hiện trước đó.
Cửu Long - Trường Hà - Hoàng Nam - Ngọc Tài