Được mở rộng từ năm 2004, đường Trường Chinh (quận Tân Bình) - cửa ngõ Tây Bắc vào trung tâm TP HCM, gồm 3 làn đường dành cho ôtô (khoảng 11m) và một làn xe hỗn hợp dành cho cả xe máy, ôtô tải nhẹ cùng xe buýt (khoảng 9 m). Việc phân làn trên tuyến đường này đã được Sở GTVT thực hiện từ nhiều năm nay nhưng do diện tích đường chật chội với lượng xe máy "khủng", lực lượng giao thông thường "làm ngơ" cho xe hai bánh lấn làn.
Từ đầu tháng 5, để lập lại trật tự kỷ cương trong "năm an toàn giao thông", hàng chục cảnh sát và thanh niên xung phong đã được huy động có mặt tại các giao lộ trên đường Trường Chinh, ngăn chặn xe máy lấn đường khiến làn xe hỗn hợp thường xuyên bị quá tải. Một tuần qua, cảnh kẹt xe nghiêm trọng (hướng từ giao lộ Trường Chinh - Cộng Hòa về ngã tư An Sương) vào giờ cao điểm trở thành nỗi ám ảnh của hàng ngàn người dân TP HCM.
Buổi sáng từ 6h và buổi chiều từ 16h, toàn bộ xe máy khi lưu thông qua đoạn đường này đều bị kẹt cứng, nhích từng chút để qua một đoạn đường chưa tới 3 km. Tại các giao lộ với đường Trường Chinh như Phan Huy Ích, Tây Thạnh giao thông thường xuyên rơi vào cảnh hỗn loạn. Nhiều người cố gắng thoát thân bằng cách leo lên vỉa hè, thậm chí xoay đầu xe để chuyển hướng khiến cho cảnh ùn tắc càng thêm nghiêm trọng. Trong khi đó, phần đường giành cho ôtô lại rất thông thoáng, vắng vẻ với 3 làn xe.
"Một bên thì hàng ngàn xe chôn chân tại chỗ, còn bên kia đường rộng thênh thang chỉ để vài ôtô chạy vun vút. Suốt cả tuần qua ngày nào tôi cũng bị mắc kẹt ở đoạn đường này cả tiếng đồng hồ", anh Nam, nhà ở quận 12 bức xúc.
![]() |
Hàng ngàn xe máy phải nhích từng chút một trên đường Trường Chinh vì không được chạy vào làn đường ôtô trong giờ cao điểm như trước đây. Ảnh: H.C. |
Đại diện Đội cảnh sát giao thông Tân Sơn Nhất cho biết việc cấm xe máy đi sang làn đường ôtô trên đường Trường Chinh là theo chỉ đạo của thành phố để đảm bảo an toàn. Vì đây là một trong những "điểm đen" tai nạn giao thông, trong đó nhiều vụ là do người điều khiển xe máy đi sang làn ôtô gây ra.
"Mấy ngày qua chúng tôi phải đứng chốt để người dân chạy đúng làn. Chứng kiến cảnh ùn tắc khi hàng ngàn xe nhích từng chút một, chúng tôi cũng nóng ruột. Nhiều người năn nỉ để được chạy qua làn ôtô thoát khỏi kẹt xe nhưng không thể làm trái quy định được", viên CSGT cho hay.
Trước ý kiến này, chị Lan (35 tuổi) đón 2 con đi học về nhưng bị kẹt ở đây đã hơn 45 phút bày tỏ: "Phân luồng để tránh tai nạn là tốt. Nhưng phải làm thế nào cho hợp lý chứ cứng nhắc, máy móc thế này kẹt xe còn nặng hơn, người dân còn khổ sở hơn". Người phụ nữ này cũng bày tỏ việc thiết kế các làn xe như trên "quá xa vời so với thực tế".
Lý giải việc thiết kế diện tích đường Trường Chinh dành cho ôtô nhiều hơn xe máy trong khi loại xe này đang nhiều gấp 10 lần ôtô, một cán bộ Sở GTVT TP HCM cho rằng đó là do quy hoạch từ trước. Tuy nhiên, ông này cũng nhìn nhận việc quy hoạch chỉ đúng trong từng giai đoạn nên không thể tính được việc xe máy tăng quá cao, mất kiểm soát (tăng hơn 10% mỗi năm) như hiện nay.
Theo TS Phạm Xuân Mai, giảng viên ngành Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách Khoa TP HCM, hiện diện tích làn xe máy trên đường Trường Chinh quá nhỏ không thể đủ cho hàng ngàn xe qua đây vào giờ cao điểm nên chuyện bị ùn tắc xảy ra là tất nhiên. Một phần nguyên nhân là do quy hoạch.
"Lúc làm tuyến đường này người ta quy hoạch theo xu hướng giảm xe máy và tăng ôtô trong tương lai, nhưng hiện xe máy lại gấp 10 lần ôtô nên tất yếu sẽ ùn tắc", ông Mai nói.
Cũng theo TS Mai, việc tách làn ôtô và xe máy là đúng nhưng cũng cần tính tới nhu cầu thực tế của người dân khi thành phố có quá nhiều xe máy. "Trước khi thực hiện cấm xe máy vào làn ôtô phải khảo sát xem vào giờ cao điểm có bao nhiêu xe máy lưu thông trên đoạn đường này, xem lại diện tích của làn đường đó có đủ cho xe máy hay không", ông Mai nêu. Vị này cũng cho rằng, ngành giao thông nên làm những dải phân cách mềm tại làn đường ôtô và cho phép xe máy lưu thông trong một số giờ nhất định. Sau này nếu cần thiết thì có thể tháo ra mà không gây lãng phí.
![]() |
Để giải quyết tình trạng kẹt xe trên đường Trường Chinh, Sở GTVT đã cho dời các trạm dừng xe buýt từ lề đường sang dải phân cách cứng sát làn xe ôtô. Khi đó, xe buýt sẽ không đi trong phần đường giành cho xe hỗn hợp nữa mà xe chạy trong làn đường dành cho ôtô. Ảnh: H.C. |
Ngày 9/5, trao đổi với VnExpress.net, ông Lê Toàn, Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM cho rằng việc ùn ứ trên tuyến đường Trường Chinh trong những ngày qua không phải do Sở GTVT phân luồng mà do thực hiện đúng Luật Giao thông đường bộ. "Trước đây, xe máy thường chạy vào làn xe ôtô nhưng CSGT làm ngơ không xử phạt. Nay thực hiện nghiêm luật giao thông, người dân buộc phải đi đúng luật chứ không phải do phân luồng", ông Toàn nói.
Tuy nhiên, trước tình trạng ùn tắc trên đường Trường Chinh như những ngày vừa qua, ông Toàn cho biết, Sở sẽ nghiên cứu cấm xe tải lưu thông vào làn xe hỗn hợp trong giờ cao điểm. Sở cũng đã điều chỉnh cho xe buýt đi sang làn ôtô và sẽ phối hợp với công an, chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng đi ngược chiều, lấn chiếm đường và có thể điều chỉnh việc lưu thông của xe tải nhẹ để ưu tiên làn đường hỗn hợp cho riêng xe hai bánh. Ngoài ra Sở sẽ sớm có văn bản kiến nghị CSGT trong trường hợp kẹt xe nghiêm trọng có thể cho xe lưu thông vào làn ôtô để giải tỏa kẹt xe.
"Sau khi thực hiện tất cả các giải pháp trên, nếu vẫn tiếp tục kẹt xe thì Sở GTVT TP sẽ đề nghị cho phép xe máy lưu thông vào làn ôtô sát làn hỗn hợp. Khi đó, phải lắp đặt dải phân cách giữa các làn để đảm bảo an toàn", ông Toàn cho biết.
Hữu Công