"Ukraine liên tục kêu gọi các đối tác quốc tế, trong đó có Gruzia, cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự và đạn dược. Kiev đã yêu cầu Tbilisi hoàn trả những hệ thống phòng không Buk được chúng tôi chuyển cho họ trong cuộc chiến năm 2008", đại biện lâm thời Ukraine tại Gruzia Andrey Kasyanov cho biết hôm 8/1.
Ông Kasyanov thêm rằng Ukraine cũng đề nghị Gruzia cung cấp tên lửa chống tăng Javelin do Mỹ sản xuất, nhấn mạnh đợt chuyển giao đã được Mỹ phê chuẩn và Washington cũng sẵn sàng thay thế tên lửa Javelin của Tbilisi bằng "những hệ thống mới hơn".
![Xe TELAR của hệ thống Buk Ukraine trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: BQP Ukraine.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/01/10/buk-3802-1673315320.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=dAY9sxww50UGaNXVaNVqUg)
Xe TELAR của hệ thống Buk Ukraine trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: BQP Ukraine.
"Chính phủ Gruzia luôn từ chối viện trợ quân sự, nhưng chúng tôi phản đối sử dụng vấn đề này trong các tranh chấp chính trị nội bộ và bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng Kiev đang lôi kéo Tbilisi vào chiến sự", quan chức Ukraine nói.
Giới chức Gruzia chưa bình luận về thông tin.
Buk là hệ thống phòng không tầm trung tự hành do Liên Xô phát triển, nhằm thay thế những tổ hợp 2K12 Kub lạc hậu. Đây hiện là một trong những tổ hợp phòng không chủ lực của quân đội Ukraine.
Một hệ thống Buk-M1 tiêu chuẩn gồm 6 xe chở, phóng đạn và radar (TELAR) 9A310M1. Mỗi xe TELAR được trang bị radar chiếu xạ và dẫn bắn để tăng tính độc lập, cho phép tổ lái tự phát hiện và tấn công mục tiêu mà không cần dữ liệu từ đài chỉ huy trung tâm.
Gruzia là quốc gia từng thuộc Liên Xô tại khu vực Kavkaz, giáp với Nga ở phía bắc. Quan hệ Nga - Gruzia luôn căng thẳng kể từ khi xung đột quân sự nổ ra vào tháng 8/2008, khi Gruzia tấn công hai vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia.
Nga mở chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia từ ngày 8/8/2008 và kết thúc sau 5 ngày giao tranh. Gruzia chịu thiệt hại nặng về lực lượng và cơ sở hạ tầng quốc phòng. Nga công nhận nền độc lập của Abkhazia và Nam Ossetia và duy trì hiện diện quân sự tại hai khu vực, khẳng định đây là hành động phù hợp với nguyện vọng của người dân địa phương.
Tuy nhiên, Gruzia vẫn duy trì quan điểm trung lập trong xung đột Ukraine, từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây và bác bỏ đề xuất của một số quan chức Ukraine cho rằng nước này nên mở mặt trận đối phó Nga tại vùng Nam Kavkaz.
Vũ Anh (Theo RT, Reuters)