"Nga sử dụng linh kiện phương Tây để chế tạo máy bay không người lái S-70 Okhotnik. Chúng tôi đã tìm thấy linh kiện của các công ty Mỹ, Đức và Thụy Sĩ trên phi cơ này", Tổng cục Tình báo Quân đội Ukraine (GUR) ngày 8/11 cho biết.
GUR nói rằng các linh kiện phương Tây được phát hiện gồm cảm biến dòng điện tích hợp của Maxim Integrated Products, bóng bán dẫn của Infineon Technologies, bộ vi xử lý do Xilinx Inc và STMicroelectronics chế tạo, mô-đun nguồn của Texas Instruments, cầu dao cách ly của Analog Devices.
Theo GUR, máy bay không người lái (UAV) mà họ kiểm tra là nguyên mẫu thứ 4 của dòng S-70, song không rõ thời điểm máy bay được chế tạo và làm cách nào Nga mua được số linh kiện trên. Cơ quan này cho rằng Nga phụ thuộc vào linh kiện nước ngoài và không thể sản xuất vũ khí nếu thiếu chúng.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin trên.
Sau khi chiến sự Ukraine bùng phát hồi tháng 2/2022, Washington đã áp đặt hàng loạt biện pháp cấm vận tài chính và công nghệ nhằm vào Moskva, nhằm ngăn cản nguồn cung linh kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, biên tập viên Howard Altman của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định không có dấu hiệu nào cho thấy những linh kiện trên UAV S-70 nằm trong diện cấm vận. "Nga phát triển dòng Okhotnik từ nhiều năm trước khi Mỹ áp lệnh trừng phạt", Altman cho biết.
Truyền thông Nga ngày 5/10 công bố hình ảnh tiêm kích nghi là Su-57 bắn rơi UAV Okhotnik trên vùng trời thành phố Konstantinovka do Ukraine kiểm soát ở tỉnh Donetsk.
Rybar, tài khoản với hơn một triệu người theo dõi trên Telegram, nói rằng chiếc Okhotnik gặp trục trặc với hệ thống điều khiển và ngày càng bay sâu vào lãnh thổ do Ukraine kiểm soát. "Nguồn tin quân sự cho biết phi công đã chủ động bắn hạ UAV. Tình hình sẽ tệ hơn nhiều nếu nó tiếp tục hành trình và hạ cánh từ từ sau khi cạn nhiên liệu", Rybar cho hay.
Các biên tập viên của trang War Zone cho rằng chiếc S-70 bị rơi có thể là nguyên mẫu từng được công bố năm 2019, hoặc là máy bay có thiết kế đơn giản hơn nhiều so với phiên bản hoàn chỉnh được Nga triển khai từ năm 2021.
"Nga đã sử dụng đại trà UAV vũ trang hạng nặng như Okhotnik và Inokhodets, chúng từng tham gia tấn công hàng loạt mục tiêu đối phương và chỉ điểm cho nhiều đơn vị đồng đội. Tuy nhiên, đến nay phòng không Ukraine chưa từng bắn hạ được chiếc nào trong số này", tài khoản Fighter Bomber của một phi công tiêm kích Nga cho hay.
Chương trình phát triển UAV trợ chiến S-70 Okhotnik được tập đoàn Sukhoi triển khai từ năm 2011, nguyên mẫu máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên ngày 3/8/2019.
Mẫu UAV này sử dụng vật liệu composite chuyên dụng, có thể giống với loại dùng để chế tạo Su-57. Mỗi chiếc có chiều dài 14 m và sải cánh 20 m, khối lượng gần 20 tấn, gần gấp đôi tiêm kích MiG-29 hoặc F-16, cũng như gấp 4 lần các loại UAV tương tự như X-47B Mỹ.
Okhotnik được thiết kế để hoạt động cùng tiêm kích tàng hình Su-57, thay thế máy bay có người lái trong những nhiệm vụ nguy hiểm. Okhotnik lần đầu bay cùng Su-57 trong thử nghiệm kéo dài 30 phút hồi tháng 9/2019, trong đó hai phi cơ bay theo biên đội với giãn cách vài mét.
Nguyễn Tiến (Theo TWZ, AFP, AP)