Một hệ thống tên lửa Buk. Ảnh: armyrecognition.com |
"Chúng tôi có bằng chứng thuyết phục chỉ ra rằng hành vi khủng bố được thực hiện với sự hỗ trợ của Liên bang Nga. Chúng tôi biết rõ rằng những người tham gia hệ thống phóng tên lửa là công dân Nga", Reuters dẫn lời Vitaly Naida, người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine, khẳng định trong một buổi họp báo.
Ông cho biết vai trò của Nga được thể hiện qua việc nước này cung cấp hệ thống tên lửa và nhân sự cho phiến quân. Theo bằng chứng mà Kiev thu thập được, ba hệ thống tên lửa dẫn đường radar BUK-1 hay SA-11 được đưa vào lãnh thổ Ukraine từ Nga, cùng với một nhóm ba người.
Phía Ukraine khẳng định ba người này được điều đi cùng hệ thống tên lửa, đồng thời kêu gọi Nga cung cấp tên của họ để tiến hành thẩm vấn. Ba hệ thống tên lửa hiện đã được đưa trở về lãnh thổ Nga. Hình ảnh do phóng viên ghi lại cho thấy các hệ thống tên lửa được đặt ở nhiều vị trí khác nhau.
Trước đó, người phát ngôn của ủy ban an ninh Ukraine cho hay 15 thiết bị quân sự được đưa qua biên giới từ lãnh thổ Nga vào khu vực Luhansk, miền đông Ukraine, vào ban đêm. Theo người phát ngôn, phiến quân từng đưa các thiết bị đến khu vực máy bay rơi để di dời các mảnh vỡ.
Theo các chuyên gia tình báo và quốc phòng phương Tây, nhóm nổi dậy ở miền đông Ukraine đang che giấu bằng chứng liên quan tới bệ phóng tên lửa Buk. Tên lửa đất đối không này bị nghi được nhóm ly khai thân Nga dùng để bắn hạ máy bay chở khách của Malaysia hôm 17/7.
Guardian dẫn lời một quan chức quân đội Ukraine cho biết, nhóm nổi dậy không thể điều khiển được hệ thống tên lửa phòng không mà không có sự hỗ trợ kỹ thuật của Nga.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố không triển khai tên lửa Buk sang Ukraine và khẳng định: "Những cuộc vượt biên như thế không thể diễn ra bí mật".
Máy bay MH17 bị bắn rơi ở vùng chiến sự Donetsk hôm 17/7 khi đang đi từ Amsterdam tới Kuala Lumpur, làm 298 người thiệt mạng. Vị trí máy bay rơi cách biên giới Nga khoảng 50 km.
Thùy Linh