Lữ đoàn Xung kích Đường không số 25 Ukraine ngày 31/3 đăng ảnh nhiều phương tiện chiến đấu cháy rụi nằm rải rác trên con đường nhỏ, cho biết chúng là 16 xe tăng, thiết giáp Nga bị phá hủy khi mở đợt tiến công ở mặt trận Avdeevka tại tỉnh miền đông Donetsk.
Kriegsforscher, tài khoản mạng xã hội X của một phi công điều khiển thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ (drone) thuộc Lữ đoàn Thủy quân Lục chiến số 36 Ukraine, cho hay đây là bức ảnh được chụp sau trận xung kích hôm 30/3 của Trung đoàn Tăng số 6 Nga dọc theo con đường từ làng Tonenke tới làng Umanske.
Binh sĩ Ukraine này cho biết Nga đã triển khai tổng cộng 36 xe tăng và 12 thiết giáp dòng BMP để tấn công. "Đây là lượng xe tăng, xe bọc thép lớn nhất được Nga huy động trong một cuộc tấn công kể từ đầu chiến sự", Kriegsforscher cho hay, thêm rằng 20 chiếc đã bị phá hủy, nhiều hơn số liệu mà Lữ đoàn 25 đưa ra.
Phía Ukraine không tiết lộ đã dùng phương pháp gì để hạ lượng lớn xe tăng, thiết giáp Nga. Chuyên gia quân sự David Axe của Forbes nhận định lực lượng của Kiev nhiều khả năng đã áp dụng chiến thuật phòng thủ phổ biến gần đây, đó là dùng drone trinh sát xác định vị trí đoàn xe, sau đó nã pháo để gây rối loạn đội hình đối phương.
"Đạn pháo khiến xe tăng, thiết giáp Nga bị phân tán, rối loạn đội hình và trở thành mục tiêu dễ dàng của drone góc nhìn thứ nhất (FPV). Mìn và tên lửa chống tăng cũng có thể đã được sử dụng", Axe nói.
Chuyên gia của Forbes cho biết Ukraine áp dụng chiến thuật phòng thủ này nhằm ứng phó với tình trạng thiếu đạn pháo, trong bối cảnh nguồn cung từ phương Tây sụt giảm khi gói viện trợ mới nhất của Mỹ đang mắc kẹt tại quốc hội.
Thay vì khai hỏa 10 quả đạn pháo để đối phó một nhóm xung kích của Nga, lực lượng Ukraine chỉ bắn một nửa số đó và bù đắp lượng hỏa lực còn thiếu bằng drone FPV, vũ khí đang được Kiev đẩy mạnh sản xuất với số lượng lớn.
"Dù đang gặp nhiều khó khăn vì thiếu nguồn cung một số khí tài chủ chốt, quân đội Ukraine vẫn duy trì được năng lực phòng thủ vững chắc", Axe cho hay.
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Giới chuyên gia nhận định xung đột tại Ukraine đã chứng minh rằng xe tăng chiến đấu chủ lực không còn hữu dụng như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nếu không được bộ binh, phòng không tầm thấp cùng các biện pháp tác chiến điện tử bảo vệ, xe tăng gần như bất lực trước drone FPV, loại khí tài giá rẻ song có thể hủy diệt phương tiện chiến đấu hạng nặng chỉ bằng một đòn đánh vào chỗ hiểm yếu.
Nga cũng đã tăng cường sử dụng drone FPV để vô hiệu hóa nhiều khí tài hiện đại của Ukraine, trong đó có cả những chiếc xe tăng được phương Tây chuyển giao.
Truyền thông Ukraine tuần trước cho biết ít nhất 5 trong tổng số 31 xe tăng Abrams được Mỹ chuyển giao cho Ukraine đã bị phá hủy, kể từ khi khí tài này lần đầu thực chiến hồi tháng 2. Ít nhất ba chiếc Abrams đã bốc cháy do liên tiếp bị drone FPV tấn công ở mặt trận Avdeevka.
Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng xe tăng, thiết giáp chưa thực sự lỗi thời và vẫn có một số công dụng nhất định trong các chiến dịch tấn công quy mô lớn, cần lực lượng đột kích mạnh, nên hai bên sẽ tiếp tục triển khai loại khí tài này trên chiến trường.
Phạm Giang (Theo Defense Express, Forbes, Kyiv Post)