Trong cuộc họp báo ngày 17/4, Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein cho biết nước này có nhiều năm trải qua chiến tranh và xung đột, cũng như có kinh nghiệm tổ chức những cuộc đàm phán giữa các bên căng thẳng với nhau như Iran và Arab Saudi.
Ông Hussein tuyên bố Iraq "sẵn sàng phục vụ hòa bình" và đề xuất nước này làm trung gian cho đàm phán giữa Nga và Ukraine. "Xung đột tiếp diễn sẽ gây nguy hiểm không chỉ cho hai nước mà còn cả thế giới", Ngoại trưởng Hussein nhận định.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba bác đề xuất, đồng thời nhận định "Nga đang ở thế tiến công, đây là trở ngại lớn nhất trên con đường tới hòa bình". "Chúng tôi cần Nga đồng ý thực tế đơn giản rằng họ phải dừng chiến sự và rút quân", ông Kuleba nói.
Iraq cùng nhiều quốc gia Trung Đông phụ thuộc vào ngũ cốc nhập khẩu, trong đó có sản phẩm của Ukraine, và chịu ảnh hưởng vì giá lương thực tăng sau khi chiến sự bùng phát.
Nga và Ukraine tổ chức một số cuộc đàm phán sau khi chiến sự bùng phát cuối tháng 2/2022, song sớm rơi vào bế tắc. Điện Kremlin ngày 6/4 cho biết Nga không thấy triển vọng cho giải pháp chính trị nào do tình hình Ukraine đang rất phức tạp.
Moskva muốn Kiev công nhận chủ quyền của Nga đối với bán đảo Crimea, cũng như 4 tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Ukraine bác yêu cầu trên và tuyên bố không đàm phán với Nga cho tới khi quân đội nước này rút khỏi các khu vực họ kiểm soát.
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns ngày 11/4 nhận định Tổng thống Nga Vladimir Putin "không coi trọng các cuộc đàm phán trong giai đoạn này".
Nguyễn Tiến (Theo AP)