Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã thể hiện lập trường hoài nghi việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine và từng thúc giục đảng Cộng hòa chặn gói viện trợ mới cho Kiev. Ông cùng nhiều người thân cận cho rằng xung đột Ukraine đang khiến người nộp thuế Mỹ tốn quá nhiều tiền và phải nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Những tuyên bố đó khiến nhiều người ở Ukraine lo ngại rằng ông Trump có thể đột ngột cắt giảm các khoản viện trợ quan trọng của Mỹ và tăng sức ép với Kiev để chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với điều khoản nhượng lãnh thổ cho Moskva.
Khi chỉ còn khoảng 2 tháng nữa ông Trump sẽ nhậm chức và Nga đang giành thêm lợi thế trên chiến trường, Ukraine muốn tìm cách thuyết phục chính quyền mới ở Mỹ. Họ hy vọng ông Trump sẽ thấy Ukraine không phải là nước chỉ biết nhận viện trợ, mà còn là cơ hội giúp Mỹ giành lợi ích về kinh tế và địa chiến lược với chi phí tiết kiệm nhất.
Với tính toán đó, nhiều quan chức ở Kiev đặt cược rằng ông Trump sẽ giúp chấm dứt xung đột theo cách công bằng cho Ukraine. Họ phớt lờ những bình luận tiêu cực của ông Trump, thay vào đó tập trung vào việc Tổng thống đắc cử từng là lãnh đạo Mỹ đầu tiên chuyển giao vũ khí sát thương cho Ukraine.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, Ukraine đã nhận được tên lửa Javelin, vũ khí chống tăng mà chính quyền cựu tổng thống Barack Obama từ lâu từ chối chuyển giao. Lô vũ khí này được chuyển giao từ đầu năm 2022, góp phần giúp Ukraine ngăn chặn đà tiến công chớp nhoáng của Nga vào thủ đô Kiev hơn một tháng sau đó.
Ông Trump từng xem thương vụ chuyển giao tên lửa Javelin là minh chứng cho thấy ông cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin hơn các ứng viên đảng Dân chủ. Nhưng cũng chính giao dịch vũ khí này đã trở thành điểm mấu chốt cho phiên luận tội đầu tiên nhắm vào ông.
Ông Trump khi đó bị cáo buộc gây áp lực lên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bằng cách hoãn chuyển giao gói viện trợ quân sự gần 400 triệu USD, nhằm buộc Kiev công khai cam kết điều tra Hunter Biden, con trai của ông Joe Biden.
"Những vũ khí đầu tiên mà Ukraine nhận được từ Mỹ đến từ một tổng thống không thích Kiev", Dmytro Kuleba, cựu ngoại trưởng Ukraine, nói.
Ông lạc quan tin rằng nhiệm kỳ mới của ông Trump có thể mở ra kỷ nguyên thay đổi tích cực cho Ukraine, bất chấp Tổng thống đắc cử Mỹ được cho là người khó đoán. Cựu ngoại trưởng Ukraine thêm rằng để giành được ủng hộ, Kiev cần phải tạo ra "các kịch bản rằng việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine sẽ giúp ông Trump thể hiện sức mạnh".
"Nếu mục tiêu của ông ấy là phô trương sức mạnh để cuối cùng tuyên bố rằng 'tôi tốt hơn ông Biden và tôi đã kết thúc chiến tranh', hãy cho ông ấy thấy rằng bỏ rơi Ukraine không phải là lựa chọn phù hợp", Kubela nói.
Nhiều người Ukraine cho rằng chính sách viện trợ nhỏ giọt, dè dặt của chính quyền ông Biden đã gây tổn hại uy tín và hình ảnh toàn cầu của Mỹ. Họ cũng thất vọng với việc ông Biden công khai ủng hộ Ukraine, nhưng luôn ngần ngại khi đưa ra các quyết định viện trợ vũ khí quan trọng và lo ngại về nguy cơ Nga đáp trả.
Vài tuần gần đây, người Ukraine đã bắt đầu chia sẻ về lập trường chính sách mới liên quan tới "hòa bình thông qua sức mạnh". Họ hy vọng thông điệp đó sẽ đủ sức thuyết phục ông Trump, khi nó tỏ ra không hiệu quả với ông Biden.
"Nếu ông Trump muốn làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại, lợi ích trực tiếp của ông ấy chính là giúp Ukraine không thua trận trước Nga. Bởi nếu không, Mỹ có thể khó lấy lại hình ảnh bên bảo trợ an ninh của phương Tây", nghị sĩ Ukraine Volodymyr Ariev nói.
Mykhailo Podolyak, cố vấn văn phòng tổng thống Ukraine, cho biết Kiev sẽ giải thích rõ cho ông Trump về chủ nghĩa thực dụng chính trị đằng sau nỗ lực ủng hộ Ukraine.
"Chúng tôi cần giúp ông Trump và các cố vấn của ông ấy có được thông tin toàn diện nhất về tính logic của vấn đề này. Trong đó, họ chi một số tiền nhỏ để hỗ trợ Ukraine về vũ khí, tài chính, đầu tư, sản xuất. Nhưng sau đó họ có thể vô hiệu hóa tiềm năng quân sự của Nga và đảm bảo vị thế thống trị", ông Podolyak nói.
Giới quan sát cho rằng nhiều người Ukraine đã mệt mỏi với việc kêu gọi chính quyền hiện tại quyết đoán hơn, do đó giống như người dân Mỹ, họ tìm kiếm sự thay đổi triệt để dù tốt hay xấu, và đó là điều ông Trump có thể mang tới.
"Chắc chắn rằng cuộc chiến sẽ kết thúc sớm hơn với các chính sách của đội ngũ sắp tiếp quản Nhà Trắng", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói đài truyền hình quốc gia Ukraine Suspilne hồi giữa tháng này.
Anastasiia Lapatina, nhà phân tích của Viện nghiên cứu Lawfare ở Washington, cho rằng một động lực khác khiến Ukraine đổi giọng về ông Trump là bởi Kiev phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung vũ khí từ Washington và họ sẽ phải tìm cách hợp tác dù ai là chủ nhân Nhà Trắng.
Một quan chức chính phủ thân cận với ông Zelensky cho biết văn phòng Tổng thống Ukraine không quá lo lắng về nhiệm kỳ của ông Trump và đang tìm cách hợp tác với chính quyền mới.
"Ông Trump là người khó đoán và đây là điểm cộng cho tình hình của chúng tôi hiện nay. Chúng tôi cần phải chờ đợi và chơi ván cược của mình một cách đúng đắn", nghị sĩ Ukraine Oleksii Honcharenko viết trên Telegram.
Bản thân ông Zelensky cũng đã chuẩn bị cho nỗ lực thuyết phục chính quyền mới từ nhiều tháng qua. Hai điểm trong "kế hoạch chiến thắng" của ông, gồm cho phép tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của Ukraine và quân đội Ukraine sẽ thay thế lính Mỹ đồn trú ở châu Âu, được cho là nhằm "rót mật vào tai" để thuyết phục Tổng thống đắc cử Mỹ.
Tổng thống Ukraine cũng là một trong những lãnh đạo đầu tiên gọi điện chúc mừng ông Trump thắng cử, ca ngợi đó là "chiến thắng vang dội lịch sử".
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng tình hình đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ông Trump chấp thuận thương vụ chuyển giao tên lửa Javelin cho Ukraine.
Tổng thống đắc cử giờ có đội ngũ nhân sự gần như hoàn toàn mới. Phó tổng thống đắc cử JD Vance từng là thượng nghị sĩ bỏ phiếu phản đối viện trợ Ukraine. Tỷ phú Elon Musk từng chế giễu ông Zelensky và hoài nghi vai trò của Mỹ trong cuộc chiến.
Các nhà quan sát nói Ukraine có thể tác động tới những quyết sách của ông Trump hay không phụ thuộc phần lớn vào khả năng thuyết phục của Tổng thống Zelensky.
"Rất nhiều gánh nặng dồn lên vai ông Zelensky. Ông ấy sẽ phải đảm nhận vai trò trở thành người đối thoại trực tiếp với ông Trump. Vào thời điểm này, tôi không chắc có ai khác có thể đảm nhận được trọng trách ngoài ông ấy", Scott Cullinane, người phụ trách các vấn đề chính phủ của tổ chức phi lợi nhuận Razom ở Mỹ vốn ủng hộ Ukraine, nói.
Một số nhà phân tích cho rằng Ukraine nên tận dụng cách tiếp cận theo kiểu kinh doanh của ông Trump trong các vấn đề đối ngoại. Họ cho rằng Ukraine có nguồn tài nguyên như lithium lớn và đây có thể là lợi thế.
Ukraine có đủ lượng lithium để sản xuất 15 triệu pin ôtô điện, dù một số mỏ khai thác hiện nằm trong vùng Nga kiểm soát và gần sát tiền tuyến, theo Volodymyr Vasiuk, chuyên gia trong ngành công nghiệp Ukraine kiêm cố vấn các vấn đề kinh tế cho quốc hội Ukraine.
"Thị trường khí đốt của Ukraine cũng được cho là mảnh đất béo bở nhất thế giới. Tôi tin các công ty Mỹ sẽ có tương lai tuyệt vời ở Ukraine ngay từ bây giờ", Oleksiy Chernyshov, giám đốc điều hành của công ty năng lượng Ukraine NaftoGaz, nói.
Chernyshov dự kiến tới Mỹ và gặp lãnh đạo các tập đoàn khí đốt nước này trong những tuần tới. Ông tin rằng chính quyền của ông Trump gồm những người "có chuyên môn về kinh doanh".
"Chúng tôi muốn nói về các hợp đồng hàng triệu USD. Tôi nghĩ sẽ thật tuyệt khi họ có thể cân nhắc những điều đó", ông nói.
Thông điệp từ Ukraine dường như đã được một số thành viên đảng Cộng hòa lắng nghe. Phát biểu trên Fox News tuần trước, thượng nghị sĩ Lindsey Graham mô tả Ukraine là đất nước sở hữu hàng nghìn tỷ USD khoáng sản quý hiếm.
"Ukraine sẵn sàng thực hiện thỏa thuận với chúng tôi, không phải với Nga. Vì vậy, lợi ích của chúng tôi là đảm bảo Nga không kiểm soát khu vực này", ông nói.
Thùy Lâm (Theo Washington Post, Lawfare, AFP)