Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Wales hôm nay (4/5), ông Poroshenko nói rằng lệnh ngừng bắn phụ thuộc vào cuộc họp sẽ diễn ra ở Minsk, Belarus, vào ngày mai, giữa các phái viên của Ukraine, Nga và tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu OSCE.
"Vào 14h giờ địa phương (11h GMT thứ sáu), khi cuộc họp tại Minsk tiến hành, tôi sẽ kêu gọi thiết lập một lệnh ngừng bắn song phương và chúng tôi hy vọng việc thực thi kế hoạch hòa bình sẽ bắt đầu vào ngày mai", Reuters dẫn lời ông Poroshenko nói.
Trong khi đó, các thủ lĩnh cấp cao của lực lượng nổi dậy ở đông Ukraine cũng cho biết họ sẽ ra lệnh ngừng bắn ở khu vực này vào ngày mai nếu đạt được thỏa thuận với Kiev tại Minsk.
Alexander Zakharchenko, người đứng đầu nhà nước Cộng hòa Donetsk tự xưng, và Igor Plotnitsky, lãnh đạo của nhà nước Cộng hòa Luhansk tự xưng, tuyên bố trong một thông cáo rằng phe nổi dậy đã "sẵn sàng vào 15h (giờ địa phương) để ra lệnh ngừng bắn, nếu đạt được thỏa thuận và các đại diện của Ukraine ký một bản kế hoạch về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột".
Hai lãnh đạo này còn yêu cầu thỏa thuận trên phải "nói rõ chi tiết làm thế nào để đảm bảo thực thi chế độc ngừng bắn này".
Tổng thống Poroshenko đưa ra thông tin về lệnh ngừng bắn sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama và các lãnh đạo của Anh, Pháp, Đức và Italy ở hội nghị của NATO.
Ông Obama cùng 27 đồng minh đang nhóm họp tại một khu nghỉ dưỡng ở Wales để thảo luận về nhiều vấn đề.
"Chúng ta đang đối mặt với một môi trường an ninh thay đổi mạnh mẽ", Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen nói khi vừa có mặt tại hội nghị. "Ở phía đông, Nga đang tấn công Ukraine".
Một quan chức quân sự NATO cáo buộc rằng Nga có "vài nghìn" binh sĩ đang chiến đấu và hàng trăm xe tang cùng xe bọc thép ở Ukraine . Tuy nhiên, Moscow bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào đến lực lượng ly khai.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm nay phản đối việc Ukraine định gia nhập NATO, cảnh báo rằng những nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng không liên kết của Kiev có thể gây tổn hại đến an ninh. Ông cũng cáo buộc Mỹ đang tiếp tay cho "bên chiến tranh" ở Kiev.
Đến nay những động thái ủng hộ của phương Tây cho Ukraine vẫn hầu như chỉ mang tính tượng trưng. Các lãnh đạo NATO dự kiến thông qua một gói viện trợ cho Kiev, thiết lập các quỹ tín thác trị giá khoảng 15,8 triệu USD để cải thiện năng lực quân sự Ukraine ở các lĩnh vực như hậu cần, chỉ huy, kiểm soát và bảo vệ không gian mạng.
NATO cho biết bản thân liên minh này sẽ không triển khai vũ khí như Ukraine mong muốn nhưng các quốc gia thành viên có thể làm điều đó nếu họ muốn.
Anh Ngọc