Phát biểu tại Hội nghị Anh ninh Munich ở Đức cuối tuần trước, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cảnh báo châu Âu cần đẩy mạnh hoạt động chế tạo vũ khí trong thời gian tới và hợp tác với Mỹ để làm điều này.
"Chúng ta đang có vấn đề, nếu một quốc gia có xung đột có thể sản xuất vũ khí nhanh hơn phần còn lại của châu lục. Ý tôi không phải là chúng ta đang ở trong thời chiến, song cũng không còn có thể nói hiện tại vẫn là thời bình. Do đó, cần phải thay đổi tư duy", bà nói.
Thủ tướng Đan Mạch cho rằng châu Âu cần phải hành động nhanh chóng và giảm bớt quy định, thủ tục hành chính để "giúp Ukraine có những gì họ cần, song vẫn đảm bảo chúng ta vẫn có thể bảo vệ mình".

Thủ tướng Mette Frederiksen phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich hôm 15/2. Ảnh: AP
Trong gần ba năm chiến sự, Ukraine đã đẩy mạnh hoạt động chế tạo vũ khí trong nước và xuất xưởng nhiều sản phẩm nội địa như tên lửa, lựu pháo và phương tiện bay không người lái (drone). Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ 30% thiết bị quân sự mà Ukraine sử dụng trong năm 2024 là sản phẩm nội địa.
Thủ tướng Frederiksen nắm được thông tin nội bộ về hoạt động sản xuất khí tài của Kiev, nhiều khả năng do Đan Mạch là quốc gia dẫn đầu dự án chế tạo vũ khí lớn cho Ukraine. Bà không đưa ra số liệu cụ thể, nhưng truyền thông phương Tây nhận định ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đã bắt kịp, thậm chí vượt qua các nước châu Âu ở một số lĩnh vực, trong đó có drone.
Chính quyền Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đã sản xuất được hơn 1,5 triệu drone góc nhìn thứ nhất (FPV) trong năm 2024. Nước này cũng tuyên bố đã sản xuất khoảng 2,5 triệu quả đạn cối và đạn pháo trong giai đoạn tháng 1-11/2024, trong khi Liên minh châu Âu (EU) chỉ dự kiến chế tạo được hai triệu viên đạn pháo trong năm 2025.

Đạn cối được sản xuất tại một nhà máy ở Ukraine hồi tháng 1/2024. Ảnh: AP
Châu Âu đã tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng và hoạt động sản xuất vũ khí những năm gần đây, song một số quan chức cho rằng họ cần phải làm nhiều hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Dovile Sakaliene nói châu Âu cần phải tăng "mạnh và nhanh chóng" chi tiêu quân sự để có thể đứng ngang hàng với Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng đề cập vấn đề này, cho rằng châu Âu những năm gần đây "làm quá ít" và cần phải hành động nhiều hơn.
Tổng thư ký NATO Mark Rutte nhận định cả Mỹ và châu Âu đều chưa sản xuất đủ vũ khí, thêm rằng sản lượng đạn dược của Nga trong ba tháng nhiều hơn NATO chế tạo trong một năm.
Phạm Giang (Theo Business Insider)