Sự phổ biến của thiết bị bay không người lái (drone) trên chiến trường Ukraine khiến hai bên "không thể lái xe qua các khu vực trống trải mà không sợ bị phát hiện", một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ nói với báo giới hôm 25/4, khi cập nhật về hỗ trợ của Washington với Kiev trước thềm cuộc họp trực tuyến của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine (UDCG), còn gọi là "nhóm Ramstein".
Đô đốc Christopher Grady, phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cùng một quan chức giấu tên khác của Washington cho biết mối đe dọa từ drone đã khiến Ukraine phải rút xe tăng M1A1 Abrams khỏi tiền tuyến.
"Tập hợp lượng lớn xe tăng, thiết giáp cùng một chỗ là điều rất rủi ro trong bối cảnh drone xuất hiện khắp mọi nơi", Grady nói, thêm rằng Mỹ sẽ thảo luận với Ukraine để xây dựng lại chiến thuật tác chiến sau khi rút Abrams.
Dù vậy, ông khẳng định xe tăng vẫn có vai trò quan trọng trong cuộc xung đột tại Ukraine.
"Vẫn có cách để tận dụng chúng", Grady cho biết. "Chúng tôi sẽ làm việc với Ukraine và các đối tác khác trên thực địa để giúp họ tính toán cách triển khai loại khí tài này, khi bối cảnh chiến trường đã thay đổi và mọi thứ đều có thể bị phát hiện ngay lập tức".
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Mỹ tháng 1/2023 đồng ý chuyển giao 31 xe tăng Abrams cho Ukraine sau thời gian dài được Kiev yêu cầu. Chính quyền Tổng thống Volodymyr Zelensky lập luận rằng mẫu xe tăng có giá 10 triệu USD này sẽ là vũ khí quan trọng để giúp Ukraine chọc thủng phòng tuyến Nga.
Tuy nhiên, tình hình chiến trường đã thay đổi đáng kể từ thời điểm đó, khi lực lượng Nga đưa vào sử dụng rộng rãi các loại drone trinh sát và mang đầu nổ. Những khí tài này khiến quân đội Ukraine gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ xe tăng, thiết giáp, do chúng có thể dễ dàng bị drone Nga phát hiện và săn lùng.
Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Ukraine chưa áp dụng được chiến thuật có thể khiến xe tăng, thiết giáp hoạt động hiệu quả hơn trước mối đe dọa thường trực từ drone.
AP cho biết Ukraine đã mất 5 chiếc xe tăng Abrams từ đầu năm nay, chủ yếu tại mặt trận Avdeevka ở tỉnh Donestk, dù chúng chỉ được triển khai một cách hạn chế, không tham gia các chiến dịch tập kích hiệp đồng như lý thuyết của NATO.
Oleh, thành viên Lữ đoàn Cơ giới Độc lập số 47 Ukraine đang tác chiến theo hướng Avdeevka, hồi đầu tháng cho biết lực lượng này chỉ dùng xe tăng Abrams để yểm trợ hỏa lực cho bộ binh từ xa, thay vì dùng làm mũi xung kích trên tiền tuyến.
Giới chuyên gia nhận định xe tăng, thiết giáp hiện không còn hữu dụng như thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Kiểu chiến trường mà xe tăng được thiết kế để chiến đấu và sinh tồn khác rất nhiều so với thực tế mà chúng đang phải đối mặt ở Ukraine.
Thay vì xe tăng, thứ mà lực lượng của Kiev cần nhất hiện nay là đạn pháo và vũ khí phòng không. Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết nước này dự kiến công bố gói mua sắm vũ khí trị giá 6 tỷ USD cho Ukraine trong cuộc họp trực tuyến của nhóm UDGC hôm nay, bao gồm đạn cho tổ hợp phòng không Patriot và NASAM, đạn pháo, rocket cho HIMARS, drone, vũ khí chống drone và tên lửa không đối không.
UDGC là tổ chức gồm 56 quốc gia, có toàn bộ 32 thành viên NATO, được thành lập năm ngoái nhằm thúc đẩy viện trợ quân sự cho Ukraine sau khi xung đột với Nga bùng phát.
Đây sẽ là gói hỗ trợ thứ hai của Washington cho Kiev sau khi Tổng thống Joe Biden ký duyệt luật viện trợ gần 61 tỷ USD cho Ukraine hôm 24/4. Gói viện trợ đầu tiên trị giá một tỷ USD được công bố vài giờ sau khi dự luật được ông Biden thông qua, tập trung vào đạn dược và thiết giáp.
Phạm Giang (Theo AP)