Lãnh đạo 32 nước thành viên NATO đang nhóm họp tại Washington, Mỹ nhân kỷ niệm 75 năm thành lập liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Xung đột Ukraine vẫn là một trong những chủ đề bao trùm hội nghị thượng đỉnh lần này.
Các thành viên NATO đã công bố những "gói hỗ trợ đáng kể" cho Ukraine, theo Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. Mỹ và các đồng minh ở châu Âu thông báo chuyển giao cho Ukraine 5 tổ hợp phòng không chiến lược và những tiêm kích F-16 đầu tiên cũng đang trên hành trình tới nước này.
Khi Mỹ chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử tổng thống và kịch bản cựu tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng lớn dần, ưu tiên hàng đầu của NATO là tìm cách đảm bảo nguồn viện trợ "không thể đảo ngược" cho Ukraine.
Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích chính sách hỗ trợ Ukraine của chính quyền Tổng thống Joe Biden và tuyên bố sẽ giúp chấm dứt xung đột "trong vòng 24 giờ" sau khi nhậm chức. Kiev đã bày tỏ lo ngại kịch bản ông Trump sử dụng viện trợ quân sự để gây sức ép buộc Ukraine ngồi vào bàn đàm phán với Nga.
Để đối phó nguy cơ đó, NATO sẽ thành lập bộ chỉ huy trung tâm tại Đức, đảm bảo Ukraine nhận được nguồn cung vũ khí và hỗ trợ huấn luyện đáng tin cậy hơn từ các thành viên liên minh. Lãnh đạo bộ chỉ huy được cho là một tướng ba sao của Mỹ. Hàng trăm quân nhân từ các nước thành viên NATO sẽ đóng quân tại căn cứ ở Đức và các trung tâm quan trọng dọc sườn đông liên minh.
Bước thay đổi này được đánh giá là khá khiêm tốn, nhưng là động thái quan trọng với một liên minh vốn muốn tránh xa việc đóng vai trò trực tiếp trong cung cấp vũ khí cho Ukraine. Họ luôn lo ngại rằng điều này sẽ kéo NATO đến gần hơn chiến tranh với Nga.
Các nước NATO cũng cam kết duy trì hỗ trợ UKraine thêm một năm với mức ngân sách tối thiểu là 43 tỷ USD.
"Thông qua các khoản đóng góp chia theo tỷ lệ, các đồng minh dự kiến cung cấp khoản viện trợ cơ bản tối thiểu 43 tỷ USD trong năm tới và mức hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine có thể giành chiến thắng", tuyên bố của NATO cho hay.
Cam kết này nhằm đảm bảo duy trì nguồn viện trợ cho Ukraine, song không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và có thể bị lãnh đạo tương lai của các nước thành viên bỏ qua, theo giới quan sát.
Tổng thư ký Stoltenberg ban đầu hy vọng sẽ khiến các đồng minh kéo dài cam kết này trong nhiều năm, nhưng Mỹ đã yêu cầu xem xét lại nó vào năm tới.
Một trong những điều Ukraine rất mong chờ tại hội nghị thượng đỉnh NATO lần này là lời mời rõ ràng nước này gia nhập liên minh trong tương lai gần. Tuy nhiên, Kiev vẫn không thể có được điều mà họ muốn.
Thay vào đó, các lãnh đạo NATO chỉ tái khẳng định cam kết rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên vào một ngày nào đó, "khi các đồng minh đều nhất trí và điều kiện được đáp ứng". Tuy nhiên, để động viên Kiev, lãnh đạo NATO đồng ý tuyên bố con đường gia nhập liên minh của Ukraine là "không thể đảo ngược".
"Tương lai của Ukraine nằm trong NATO. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược hướng tới hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương, gồm cả tư cách thành viên NATO", tuyên bố nêu rõ.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh các gói viện trợ của NATO "tạo cầu nối" cho tương lai gia nhập khối. Tổng thư ký Stoltenberg cho biết việc kết nạp Ukraine sẽ được tiến hành sau khi xung đột với Nga kết thúc để đảm bảo rằng Moskva không bao giờ tấn công Kiev nữa.
Dù cam kết cung cấp cho Ukraine những phương tiện để tự vệ khi cuộc chiến đã bước sang năm thứ ba, NATO không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào rằng Kiev sẽ thắng thế trước Moskva. Tuyên bố của liên minh nêu rõ "NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa nào với Nga. Chúng tôi vẫn sẵn sàng duy trì các kênh liên lạc với Moskva để giảm thiểu rủi ro và ngăn nguy cơ leo thang".
Giải thích về hỗ trợ dành cho Ukraine, ông Stoltenberg nói rằng "chúng tôi không làm điều này vì muốn kéo dài cuộc chiến. Chúng tôi làm điều đó vì muốn chấm dứt cuộc chiến càng sớm càng tốt".
Tuy nhiên, các cam kết được đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh cho thấy NATO vẫn không thể đáp ứng yêu cầu 7 hệ thống Patriot mà Kiev đã liên tục nhắc tới từ tháng 4. Ông Biden và các lãnh đạo NATO khác cho biết họ sẽ cung cấp cho Ukraine hàng chục hệ thống phòng không tầm ngắn hơn trong những tháng tới.
Các đồng minh NATO cũng đã cam kết sẽ chuyển giao hàng chục tiêm kích F-16 cho Ukraine trong những năm tới, song con số này cũng thấp hơn nhiều yêu cầu 120 chiếc mà Tổng thống Volodymyr Zelensky nói là cần thiết với đất nước của ông.
Sáu quốc gia, trong đó có Mỹ, đang giúp đào tạo phi công Ukraine điều khiển F-16, song các quan chức chưa công bố số liệu chính xác hoặc các địa điểm đào tạo.
Tham mưu trưởng không quân Mỹ David Allvin vừa trở về từ căn cứ không quân quốc gia Morris ở Tucson, bang Arizona, nơi tiến hành khóa đào tạo của Mỹ. Trong số 12 phi công Ukraine tham gia, 7 người đã hoàn thành khóa học vào tháng 5 và 5 người còn lại dự kiến kết thúc khóa huấn luyện vào tháng 8, theo Allvin.
Tổng thống Zelensky trong bài đăng trên mạng xã hội X bày tỏ đánh giá cao với nỗ lực của phương Tây nhằm tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine.
Ông Zelensky cho biết đợt tăng cường viện trợ vũ khí của phương Tây đã giúp Kiev ngăn chặn thành công đợt tấn công của lực lượng Nga vào tỉnh Kharkov hồi đầu năm nay. Ông nhấn mạnh nhờ có 5 tổ hợp Patriot, Ukraine đã có thể đánh chặn nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga.
Lãnh đạo Ukraine cảm ơn Mỹ vì các hệ thống Patriot bổ sung, song khẳng định "tất nhiên, con số đó vẫn là chưa đủ. Không bao giờ đủ".
Thùy Lâm (Theo AFP, AP, Reuters, WSJ)