Yury Ignat, phát ngôn viên không quân Ukraine, ngày 4/7 cho biết tiêm kích F-16 mà phương Tây cam kết chuyển giao cho Ukraine không phải mẫu duy nhất nước này mong muốn.
"Ukraine sẽ xem xét và cân nhắc các loại tiêm kích khác có thể tăng cường khả năng tác chiến", ông Ignat nói, song thừa nhận không thể gây áp lực quá lớn cho các đồng minh phương Tây.
Theo ông Ignat, các mẫu tiêm kích như F-15 và F/A-18 do Mỹ sản xuất cùng Eurofighter Typhoon có tầm hoạt động lớn hơn, cũng như có thể mang theo nhiều vũ khí hơn. Tuy nhiên, Ukraine vẫn tập trung vào việc tìm cách sở hữu F-16 trước, đồng thời các phi công của họ có thể học lái những mẫu tiêm kích này sớm hơn.
Phát ngôn viên Ignat cho biết phi công Ukraine chưa bắt đầu khóa huấn luyện vận hành F-16, trong khi các quan chức nước này đang kiểm tra các căn cứ dự kiến đóng vai trò là trung tâm huấn luyện.
"Quá trình đã được khởi động, song tới nay mới dừng ở khâu lập kế hoạch", ông Ignat nói, đồng thời khẳng định Ukraine sẽ không nhận F-16 cho tới khi hoàn thành đào tạo phi công và chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng liên quan.
Ukraine trong nhiều tháng đề nghị phương Tây viện trợ tiêm kích F-16. Đan Mạch và Hà Lan hồi tháng 5 thông báo sẽ tiên phong trong xây dựng kế hoạch đào tạo phi công Ukraine vận hành tiêm kích F-16, kế hoạch được Mỹ ủng hộ.
Một số quan chức phương Tây nhận định việc chuyển giao F-16 cho Ukraine có thể bắt đầu năm 2024, song chưa rõ thời điểm cụ thể và quốc gia nào sẽ tặng mẫu tiêm kích này. Các quốc gia phương Tây cũng đánh giá Romania là địa điểm khả thi để huấn luyện phi công Ukraine và có thể bắt đầu vào mùa hè này.
Tuy nhiên, nhiều quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng hạ tầng tại Ukraine không đủ điều kiện để vận hành F-16, cũng như mẫu tiêm kích này khó mang lại ưu thế nổi bật hoặc thay đổi đáng kể cục diện chiến sự.
Nguyễn Tiến (Theo UA News, RT)