Mỹ tháng 9/2023 viện trợ cho Ukraine 31 chiếc M1A1 Abrams. Số xe tăng Mỹ này được biên chế cho Lữ đoàn Cơ giới số 47 Ukraine và nhanh chóng trở thành mục tiêu ưu tiên của lực lượng Nga trên chiến trường.
Các quân nhân Nga gần đây nhiều lần dùng phương tiện bay không người lái (drone) mang theo thuốc nổ tấn công và hạ nhiều chiếc M1 Abrams của Ukraine, khiến mẫu xe tăng phải đối mặt với môi trường tác chiến xa lạ so với những cuộc xung đột mà chúng từng tham gia.
Do M1 Abrams liên tục bị lực lượng Nga săn lùng, binh sĩ Ukraine phải tăng khả năng bảo vệ của chúng bằng cách lắp thêm giáp phản ứng nổ, giáp lồng và gần đây là thiết bị tác chiến điện tử để đối phó. "Điều này có thể cứu mạng các binh sĩ", chỉ huy Ukraine có biệt danh Zakon cho biết.
Zakon nhận định M1 Abrams, với giá lên đến 10 triệu USD mỗi chiếc, có ưu thế vượt trội so với các xe tăng đời cũ như T-64 và T-72 trong biên chế trong quân đội Ukraine. Tuy nhiên, ông thừa nhận M1 Abrams vẫn dễ bị tổn thương trước vũ khí Nga, trong đó có drone mang thuốc nổ.
Trong một lần bị drone tập kích vào tháng trước, chiếc M1 Abrams của Zakon thoát nạn nhờ tấm giáp lưới ngăn drone và thiết bị tác chiến điện tử trên xe. Hệ thống này đã gây nhiễu tín hiệu kết nối giữa người điều khiển và drone, khiến nó không đánh trúng đích.
Vào một lần khác, kíp lái Ukraine kịp dừng xe tăng trước khi một chiếc drone lao thẳng vào mặt trước xe. Hệ thống tác chiến điện tử và giáp phản ứng nổ lắp thêm giúp ngăn đòn tấn công, tránh thiệt hại cho chiếc M1 Abrams.
Drone không phải mối đe dọa duy nhất mà M1 Abrams đối mặt. Theo Zakon, mẫu xe tăng của Mỹ "là mục tiêu dễ dàng với nhiều loại vũ khí phổ biến trên chiến trường", trong đó có tên lửa chống tăng và pháo phản lực.
"Xe tăng M1 Abrams bền và có thể chịu được một đòn tấn công", Zakon nói. "Tuy nhiên, chúng tôi muốn xe tăng được bảo vệ tốt hơn với giáp phản ứng nổ ARAT-1 hoặc Kontakt-1".
Chỉ huy Ukraine cho biết các loại giáp phản ứng nổ trên sẽ bảo vệ xe tăng M1 Abrams khỏi các vụ nổ, giúp kíp lái có động lực tác chiến tốt hơn. "Điều này thật sự rất quan trọng", Zakon khẳng định.
Ngoài mối đe dọa trên chiến trường, số lượng xe tăng M1 Abrams sẵn sàng chiến đấu là thách thức khác mà quân đội Ukraine đối mặt.
Ukraine chỉ nhận lượng hạn chế M1 Abrams, khiến chúng trở nên quý giá hơn những loại thiết giáp khác mà Mỹ viện trợ như xe chiến đấu bộ binh M2 Bradley.
Tổng thống Volodymyr Zelensky tuần trước thừa nhận số lượng xe tăng M1 Abrams ít ỏi không thể tạo ra khác biệt trên chiến trường, đồng thời bày tỏ lo ngại tương tự với tiêm kích F-16 mà Ukraine sắp tiếp nhận.
Quân đội Mỹ biên chế xe tăng M1 Abrams từ những năm 1980, thời điểm mà ý tưởng về drone còn chưa ra đời. M1 Abrams được thiết kế chuyên diệt xe tăng đối phương và tham gia đội hình cơ giới xung kích quy mô lớn, chiến thuật thường xuyên được quân đội Mỹ áp dụng trong các cuộc chiến ở Trung Đông.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine không dùng xe tăng M1 Abrams cho các nhóm cơ giới xung kích, thay vào đó điều phương tiện hỗ trợ và củng cố vị trí, hỗ trợ hoạt động vận chuyển binh sĩ, xe cộ và trang thiết bị quân sự.
Chỉ huy Zakon cho rằng một trong những ưu điểm của M1 Abrams là tốc độ có thể đạt 72 km/h, "cho phép xe tăng di chuyển ra vào khu vực tác chiến dễ dàng".
Ông cho biết Ukraine cần nhiều xe tăng M1 Abrams cùng binh sĩ vận hành hơn để hỗ trợ các đợt tiến công vào vị trí mà Nga kiểm soát, cũng như tăng cường giáp bảo vệ cho phương tiện để giữ cho kíp lái an toàn.
"Họ là những người được huấn luyện bài bản", Zakon nói về các kíp lái M1 Abrams của Ukraine. "Đó là lý do chúng tôi cần làm mọi thứ có thể để bảo vệ mạng sống của họ".
Nguyễn Tiến (Theo BI, AFP, Reuters)