Truyền thông Ukraine ngày 12/12 công bố ảnh một xe chiến đấu của tổ hợp phòng không tầm ngắn 9K33 Osa được lắp hai giá phóng lấy từ tiêm kích MiG-29 hoặc Su-27, trong đó một giá phóng được lắp tên lửa không đối không tầm ngắn R-73.
Cụm 6 ống bảo quản kiêm bệ phóng tên lửa 9M33 đã được tháo bỏ để lấy chỗ lắp giá phóng đạn R-73, trong khi các radar nhìn vòng và điều khiển hỏa lực vẫn được giữ nguyên.
Chưa rõ đây là nguyên mẫu nhằm thử nghiệm giải pháp hoán cải hay đã được triển khai đại trà, cũng như liệu nó đã thực chiến hay chưa.
OSA được Liên Xô phát triển và biên chế từ năm 1972, là hệ thống phòng không di động đầu tiên tích hợp toàn bộ radar nhìn vòng, radar điều khiển hỏa lực và bệ phóng tên lửa vào một xe chiến đấu duy nhất. Mỗi tổ hợp OSA gồm 4 xe chiến đấu, hai xe nạp tên lửa và một xe radar hiệu chuẩn.
Lực lượng phòng không Ukraine sở hữu khoảng 65 xe chiến đấu thuộc tổ hợp Osa-AKM tính đến giữa năm 2024, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh.
Tên lửa 9M33 của Osa-AKM có tầm bắn tối đa 15 km và trần bay 12 km, tốc độ tối đa gần 3.700 km/h, ứng dụng phương thức dẫn đường bằng sóng vô tuyến theo lệnh điều khiển từ xe chiến đấu.
Tên lửa R-73 phóng từ tiêm kích có thể đánh trúng mục tiêu bay đối đầu từ khoảng cách 30 km và bám đuổi mục tiêu ở cách 14 km. Tuy nhiên, tầm bay của nó sẽ giảm đáng kể khi phóng từ mặt đất, vì không tận dụng được độ cao và tốc độ có sẵn của máy bay.
"Tầm bắn của R-73 khai hỏa trên mặt đất có thể vào khoảng 10-12 km", biên tập viên Thomas Newdick của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone nhận định.
Đổi lại, tên lửa R-73 có lợi thế về khả năng tập kích bất ngờ nhờ đầu dò tầm nhiệt không đánh động mục tiêu trong quá trình bám bắt. Tính năng "bắn và quên" của nó cũng cho phép xe phóng lập tức sơ tán khỏi trận địa ngay sau khi khai hỏa.
Trong khi đó, dòng 9M33 đòi hỏi xe chiến đấu đứng cố định tại chỗ, liên tục sử dụng radar bám bắt mục tiêu và tên lửa đang lao đi, cũng như gửi tín hiệu điều khiển đến quả đạn. Điều này giúp đối phương dễ phát hiện tên lửa rời bệ nhằm chuẩn bị phương án đối phó, cũng như khiến xe chiến đấu có nguy cơ hứng tên lửa chống radar.
Giới chuyên gia quân sự phương Tây nhận định Kiev đang tìm cách tận dụng kho tên lửa không đối không R-73 sẵn có, cũng như giải quyết tình trạng khan hiếm đạn 9M33 sau gần ba năm chiến sự với Nga.
Liên Xô từng biên chế lượng lớn tên lửa R-73 cho các đơn vị không quân triển khai trên lãnh thổ Ukraine ngày nay. Nhiều bộ phận quan trọng của R-73, trong đó có đầu dò hồng ngoại, cũng được chế tạo tại nước này dưới thời Liên Xô.
Các phi đội MiG-29 và Su-27 Ukraine gần như không thể đối đầu trực tiếp với tiêm kích Nga, trong khi tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) luôn là mục tiêu khó đối phó, khiến cơ hội dùng vũ khí tầm ngắn như R-73 là rất hiếm.
Phương Tây từng triển khai chương trình FrankenSam (Tên lửa quái vật Frankenstein), ghép nối các bộ phận của hệ thống phòng không phương Tây với tổ hợp cũ thời Liên Xô mà Ukraine có rất nhiều trong kho, nhằm bù đắp lỗ hổng phòng không và tình trạng khan hiếm đạn dược của nước này.
Một số dự án chỉ đơn thuần là lắp tên lửa Mỹ lên bệ phóng cũ, số khác có độ phức tạp cao hơn, như tích hợp toàn bộ bệ phóng phương Tây vào tổ hợp phòng không S-300. "Hãng PGZ của Ba Lan cũng từng cải tiến bệ Osa để phóng tên lửa IRIS-T hiện đại do Đức chế tạo", Newdick cho biết.
Nguyễn Tiến (Theo War Zone, AFP, AP)