"Chúng tôi đảm bảo sẽ không truy tố hình sự với những người chịu từ bỏ vũ khí và rời các trụ sở. Tôi sẵn sàng hợp thức hóa điều này bằng sắc lệnh của tổng thống", Reuters dẫn lời Tổng thống tạm quyền Oleksander Turchinov phát biểu trước Quốc hội Ukraine.
Trước đó, phe thiểu số thân Nga trong Quốc hội Ukraine đã cố gắng thông qua một dự luật ân xá các phần tử ly khai nhưng vấp phải sự phản đối của đa số các nghị sĩ thân phương Tây.
Hôm 6/4, hàng nghìn người biểu tình thân Nga chiếm hàng loạt các trụ sở cơ quan công quyền tại ba thành phố ở miền đông Ukraine là Donetsk, Kharkiv và Luhansk. Trong đó, những người biểu tình tại Donetsk và Kharkiv tuyên bố ly khai, đòi sáp nhập vào Nga.
Phản ứng trước tình hình trên, chính ông Turchinov từng đe dọa coi những người biểu tình là khủng bố và tội phạm. Trong khi đó, quyền Bộ trưởng Nội vụ Arsen Avakov hôm qua đe dọa sẽ sử dụng vũ lực để thiết lập lại trật tự ở miền đông đất nước trong vòng 48 tiếng, nếu như đàm phán thất bại .
Theo RT, xe tăng đã xuất hiện tại thành phố Donetsk và một số người dân bị thương khi cố ngăn cản đoàn xe. "Chúng tôi sẽ làm nhiệm vụ ở đây cả đêm, bởi cuộc tấn công có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào", một người biểu tình cho biết.
Người biểu tình cho rằng các cuộc tấn công vào trụ sở chính quyền thành phố Donetsk và Luhansk có thể sẽ diễn ra cùng một lúc vào buổi đêm, trong khi bạo lực đã bùng phát giữa cảnh sát và người biểu tình tại Kharkiv từ hôm 8/4.
Trong một diễn biến khác, Nga hôm nay cáo buộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có đóng góp mang tính xây dựng trong vấn đề Ukraine và lợi dụng cuộc khủng hoảng để tập hợp lực lượng chống lại "mối đe dọa không có thật từ bên ngoài", từ đó càng gây bất ổn cho khu vực.
Trước đó, Moscow cũng cáo buộc NATO có kế hoạch triển khai một số lượng quân lớn gần biên giới Nga, nhưng khối này bác bỏ tuyên bố trên. Tình hình bất ổn ở Ukraine và việc bán đảo Crimea sáp nhập vào Liên bang Nga đã khiến mối quan hệ Đông - Tây trở thành cuộc đối đầu gay gắt nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Đức Dương