"Các cơ quan tư pháp hiện tại không thể đưa tất cả các bên có tội ra trước công lý. Do đó, cần có một tòa án đặc biệt để giải quyết những tội ác" từ chiến dịch quân sự của Nga, Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu trực tuyến tại một hội nghị về chiến sự Ukraine tại The Hague, Hà Lan hôm nay.
"Một tòa án sẽ đảm bảo sự trừng phạt công bằng và hợp pháp đối với những kẻ đã gây ra chuỗi thảm họa này. Phải có hình phạt bắt buộc và có nguyên tắc đối với tất cả tội phạm người Nga", ông Zelensky nói thêm.
Bài phát biểu của ông Zelensky diễn ra vài giờ sau khi giới chức Ukraine cáo buộc một cuộc tấn công của Nga giết chết ít nhất 20 dân thường, bao gồm trẻ em, ở thành phố Vinnytsia, miền trung nước này.
Được tổ chức bởi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), Ủy ban Châu Âu và Hà Lan, sự kiện tại The Hague nhằm đảm bảo những tội ác trong xung đột Ukraine sẽ bị trừng phạt. ICC đã mở một cuộc điều tra về tội ác chiến tranh vào tháng 3, không lâu sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Ukraine hồi tháng 5 kết án chung thân Vadim Shishimarin, lính Nga 21 tuổi, với cáo buộc sát hại Oleksandr Shelipov, dân thường 62 tuổi, ở làng Chupakhivka tại tỉnh Sumy, đông bắc Ukraine, vào tháng 2. Hai binh sĩ Nga cũng bị tòa án quận Kotelevsky, tỉnh Poltava, kết tội "vi phạm luật chiến tranh".
Tổng công tố Ukraine tháng trước cho biết nước này đã mở hơn 16.000 cuộc điều tra về các hành vi có thể coi là tội ác chiến tranh trong chiến dịch quân sự của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2.
Theo Ủy ban Chữ thập đỏ và Tổ chức Giám sát Nhân quyền Quốc tế, tù nhân chiến tranh không thể bị truy tố với lý do họ tham gia trực tiếp vào xung đột vũ trang. Tuy nhiên, những người này có thể bị truy tố khi phạm tội ác chiến tranh.
Tội ác chiến tranh chỉ các hành vi vi phạm luật quốc tế trong lúc chiến đấu và kiểm soát lãnh thổ của đối phương, như cố ý nhắm mục tiêu vào thường dân, tấn công vào bệnh viện, trường học và các di tích lịch sử.
Nga nhiều lần bác cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hay nhắm mục tiêu vào dân thường ở Ukraine, khẳng định đây là chiến dịch "phi quân sự hóa, phi phát xít hóa".
Huyền Lê (Theo AFP)